Sở Công Thương Hà Nội chung tay cùng doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng hiệu quả

(BKTO) - Thực hiện chương trình Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã và đang đồng hành, chung tay cùng doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng lực cạnh tranh.

Doanh nghiệp chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng

Với nhà máy dệt may rộng tới 10.000 m2, riêng máy dệt kim đã có tới 360 máy, lượng điện tiêu thụ tại Công ty cổ phần Dệt may Supertex rất lớn.

Ông Lê Đại Quảng, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Dệt may Supertex (Cụm công nghiệp Thanh Oai, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai) cho biết, công ty đã triển khai các giải pháp như sử dụng thiết bị biến tần, công nghệ inverter, năng lượng áp mái và không sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch (thay bằng củi)... giúp tiết kiệm năng lượng, hạn chế phát thải. So với thời điểm trước khi áp dụng các giải pháp này thì dù công suất sản xuất tăng lên, nhưng lượng điện năng tiêu thụ chỉ bằng hoặc thấp hơn.

evn-2755.jpeg
Tòa nhà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - một trong những tòa nhà thực sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm, bảo vệ môi trường bằng cách lắp đặt mô hình pin năng lượng mặt trời. Ảnh: EVN 

Trên địa bàn Hà Nội, việc sử dụng năng lượng xanh, sạch, tiết kiệm, bảo vệ môi trường đã được các nhà máy, công xưởng, tòa nhà, văn phòng... luôn được quan tâm, chú trọng. Đơn cử như: Công ty TNHH Terumo Việt Nam, Công ty TNHH Hanwha Aero Engines, Công ty TNHH MOLEX Việt Nam, tòa nhà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự án LOTTE MALL West Lake Hanoi... đã sử dụng mô hình pin năng lượng mặt trời. Các tòa cao ốc Vietcombank, tòa nhà Indochina Plaza Hà Nội, Trung tâm thương mại Aeonmall Hà Đông, khách sạn Metropole Hà Nội... đã sử dụng phần mềm BMS giám sát, điều khiển tự động hệ thống điện, điều hòa không khí, chiếu sáng, bơm, quạt...

Một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Sản xuất Havitech, Chi nhánh số 2 - Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, Công ty TNHH URC Hà Nội, Công ty TNHH Sakura Hongming Việt Nam, Công ty cổ phần Tôn mạ Vnsteel Thăng Long... đã lắp biến tần điều khiển cho các động cơ dây chuyền sản xuất, bơm, quạt, máy nén khí... Đến nay, theo đánh giá sơ bộ, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã tiết kiệm được 134,9 kTOE, đạt 1,67% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu.

Đánh giá, công nhận danh hiệu cơ sở sử dụng năng lượng xanh

Sáu năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai chương trình đánh giá, công nhận danh hiệu cơ sở sử dụng năng lượng xanh cho các cơ sở trên địa bàn, nhất là các cơ sở sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp và công trình xây dựng. Các cơ sở này được hỗ trợ đánh giá hiệu quả năng lượng bằng công cụ mô phỏng, hỗ trợ tính toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng.

Ngoài ra, các đơn vị còn được đánh giá ứng dụng đổi mới trang, thiết bị, kỹ thuật có mức tự động hóa cao theo hướng công nghệ công nghiệp thế hệ 4.0.

Năm 2023, chương trình đã có 66 đơn vị đủ điều kiện để công nhận; trong đó, có 19 cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng trọng điểm đã triển khai thực hiện 140 giải pháp, tiết kiệm được 9.530 TOE, tương đương tiết kiệm 106,7 tỷ đồng trong vòng đời dự án ba năm. Kế hoạch sử dụng năng lượng hiệu quả trong 5 năm tới, 19 cơ sở này sẽ tiết kiệm 15.860 TOE, tương đương với 178,9 tỷ đồng.

Cũng theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Supertex Lê Đại Quảng, một số giải pháp tiết kiệm năng lượng có thể đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu khá cao, như việc lắp đặt năng lượng áp mái, nhưng các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu vẫn chú trọng. Bởi hiện nay, nhiều thị trường xuất khẩu lớn có những tiêu chuẩn, tiêu chí bắt buộc về sản xuất sạch, giảm lượng phát thải, sử dụng nguồn năng lượng sạch... Việc thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội và các đơn vị triển khai chương trình đánh giá, công nhận các cơ sở sử dụng năng lượng xanh đã giúp doanh nghiệp tiếp cận những giải pháp mới, hiệu quả, đáp ứng thị trường xuất khẩu.

33.jpg
Tối 10/12/2024, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức lễ trao danh hiệu cho 83 cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh TP Hà Nội năm 2024. Ảnh: Sở Công Thương Hà Nội. 

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thời gian Sở Công Thương Hà Nội đã đồng hành và góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

Sở Công Thương đã phối hợp các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã thực hiện hỗ trợ kỹ thuật các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng chỉ số hiệu quả năng lượng, ứng dụng các trang thiết bị có hiệu suất cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng trong quản lý, vận hành.

Việc công nhận các cơ sở sử dụng năng lượng xanh không chỉ tôn vinh các cơ sở, doanh nghiệp làm tốt mà còn góp phần nhân rộng các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiêu biểu để các cơ sở có mô hình tương tự áp dụng. Qua đó, thúc đẩy công tác quản lý, sử dụng năng lượng hiệu quả, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của thành phố.

Phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,6% - 1,8% so với dự báo nhu cầu

Tại Kế hoạch số 327/KH-UBND thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,6 - 1,8% so với mức dự báo nhu cầu. Cùng với đó, phấn đấu 100% chiếu sáng trên địa bàn sẽ sử dụng đèn LED.

Kế hoạch được ban hành nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, kỹ năng về quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hoạt động kinh tế - xã hội, dân sinh trên địa bàn Thành phố. Hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng chỉ số hiệu quả năng lượng, ứng dụng các trang thiết bị có hiệu suất cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng trong quản lý, vận hành đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả...

Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,6% - 1,8% so với mức dự báo nhu cầu, trong đó đạt mức tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ cho từng khu vực tiêu dùng, sử dụng điện trong các lĩnh vực: công nghiệp, thương mại 2 và dịch vụ; xây dựng; quản lý và tiêu dùng; nông - lâm - ngư - nghiệp; các hoạt động khác. Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED. Các cơ quan, công sở, tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 5,0% tổng điện năng tiêu thụ trong năm.

Cũng theo Kế hoạch, các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 01 triệu kWh/năm trở lên đảm bảo tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc đảm bảo tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm.

Đạt chỉ tiêu 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện/giải pháp kỹ thuật trong khai thác, sử dụng phương tiện giao thông cơ giới theo hướng tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.

Tích cực phổ biến các biện pháp tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn, góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia có 100% doanh nghiệp trong các Khu Công nghiệp, Cụm Công nghiệp và 80% các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chuyển đổi xanh.

Kế hoạch cũng đặt chỉ tiêu đạt 70 cơ sở, công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố được công nhận danh hiệu sử dụng năng lượng xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và có ít nhất 04 đến 06 cơ sở sử dụng năng lượng, công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cấp Quốc gia.

Tập huấn, hướng dẫn cho 1.000 lượt cán bộ kỹ thuật, người quản lý năng lượng trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng; phối hợp đào tạo và cấp chứng chỉ 50-60 cán bộ quản lý năng lượng.

Để thực hiện kế hoạch, thành phố giao Sở Công Thương Hà Nội chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và tổ chức liên quan thực hiện các nội dung về tiết kiệm điện và triển khai các chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, tư vấn kiểm toán năng lượng, đánh giá suất tiêu hao năng lượng, tập huấn và đào tạo cán bộ, hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý năng lượng...

Cùng chuyên mục
  • Bắc Kạn: Quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025
    một tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Năm 2024, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội…
  • Cao Bằng: Kinh tế - xã hội năm 2024 tăng trưởng khá
    một tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh Cao Bằng đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện. Các lĩnh vực đều có những bước tiến quan trọng và tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023…
  • Hà Giang: Nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
    một tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Hà Giang đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Ước đến ngày 31/12/2024, giải ngân vốn đầu tư công là 4.437/5.288,7 tỷ đồng, đạt 83,9% kế hoạch.
  • Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ - rào cản của tái cơ cấu ngành nông nghiệp
    một tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ngành nông nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu, gắn với nâng cao giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đang là rào cản lớn của ngành nông nghiệp trong quá trình chuyển đổi này...
  • Sức “nóng” của thị trường bất động sản Hà Nội
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Thị trường bất động sản Hà Nội đang nổi lên là một trong những khu vực trọng điểm đón sóng phục hồi của thị trường bất động sản, với nguồn cung và lượng giao dịch ghi nhận có nhiều chuyển biến khá tích cực.
Sở Công Thương Hà Nội chung tay cùng doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng hiệu quả