Số hóa ngành dược: Tăng tính minh bạch, giảm chi phí

(BKTO) - Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dịch vụ công (DVC), quản lý thuốc, quản lý cơ sở cung ứng thuốc và quản lý chứng chỉ hành nghề, ngành dược đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, DN trong thực hiện thủ tục hành chính. Qua đó góp phần tăng tính công khai, minh bạch, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế do cắt giảm được nhiều chi phí liên quan.




Việc số hóa đã tạo thuận lợi để tăng cường kiểm soát thuốc kê đơn. Ảnh tư liệu

Đẩy mạnh số hóa tronghoạt động quản lý, điều hành

Thông tin đưa ra tại Lễ Công bố số hóa và kế hoạch chuyển đổi số ngành dược diễn ra mới đây cho thấy, từ năm 2018, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã thực hiện xây dựng, kết nối, liên thông thành công 13 DVC trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia. Đến năm 2019, Cục hoàn thành và đưa vào hoạt động các DVC trực tuyến phục vụ việc kê khai/kê khai lại giá thuốc và tính đến ngày 30/6/2020, Cục đã cung cấp 93 DVC trực tuyến mức độ 4 phục vụ người dân và DN (đạt 100%) được tích hợp lên Cổng DVC Bộ Y tế; 15 DVC trực tuyến tham gia Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất/nhập khẩu thuốc và công bố mỹ phẩm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đánh giá, việc cung cấp 100% các DVC trực tuyến mức độ 4 đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, DN thực hiện thủ tục hành chính tại Cục Quản lý Dược; giúp giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ, tăng tính công khai, minh bạch, tránh phiền hà, nhũng nhiễu, giúp DN dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ. Qua đó đã đem lại hiệu quả kinh tế do cắt giảm được nhiều chi phí; việc quản lý, lưu trữ, bảo quản và truy xuất hồ sơ tại Cục được thực hiện một cách thuận tiện.

Trong quản lý thuốc, từ tháng 8/2018, Cục Quản lý Dược đã triển khai kết nối mạng các nhà thuốc toàn quốc. Chỉ trong 12 tháng, Cục đã hoàn thành kết nối 63/63 tỉnh/thành phố với gần 100% cơ sở cung ứng thuốc đã có phần mềm; tạo thuận lợi cho việc quản lý, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý giá thuốc và tăng cường kiểm soát thuốc kê đơn và bán thuốc kê đơn. Đặc biệt, tháng 8/2019, Cục Quản lý Dược đã khai trương Ngân hàng dữ liệu ngành dược (drugbank.vn) với thông tin tra cứu của hơn 10.000 thuốc, giúp người dân và DN trong việc tiếp cận thông tin về thuốc. Đến nay, Ngân hàng đã được cập nhật và cung cấp thông tin, dữ liệu của 15.226 thuốc đang được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. “Sự ra mắt của drugbank.vn đã tạo dấu ấn tiên phong trong việc số hóa dữ liệu thuốc và các dữ liệu liên quan không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới” - Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường cho biết.

Tiếp đó, từ tháng 01/2020 đến nay, Cục Quản lý Dược đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống phần mềm khởi tạo mã định danh cho từng loại thuốc. Toàn bộ mã định danh trở thành khối dữ liệu cơ bản không chỉ là dữ liệu của Cục mà còn là dữ liệu dùng chung của ngành y tế trong chuyển đổi số với đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử, y bạ điện tử, giám định thanh toán bảo hiểm y tế…

Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng cấp trùng chứng chỉ hành nghề ở các địa phương cũng như giúp các cơ quan quản lý giám sát việc cấp chứng chỉ hành nghề dược, Cục Quản lý Dược đã xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu hành nghề, kinh doanh dược với thông tin về toàn bộ các cơ sở kinh doanh dược và 115.080 chứng chỉ hành nghề đã được cấp trên toàn quốc; giúp quản lý được quy mô của hệ thống sản xuất, kinh doanh dược và có đầy đủ thông tin các cơ sở nhập khẩu, đăng ký thuốc.

Hoàn thành số hóa dữ liệu dược vào năm 2023

Với nền tảng sẵn có, Cục Quản lý Dược đặt mục tiêu về đích trước 2 năm trong thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Cụ thể, đến năm 2023, đảm bảo duy trì hoạt động 100% DVC trực tuyến mức độ 4 được tích hợp lên Cổng DVC Quốc gia, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tối thiểu 90% người dân và DN hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính thông qua các DVC trực tuyến; số hóa 100% thông tin, dữ liệu thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, cập nhật lên Ngân hàng dữ liệu ngành dược; đảm bảo 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng…

Theo Cục trưởng Vũ Tuấn Cường, để đạt mục tiêu trên, ngành dược sẽ triển đồng bộ các giải pháp, nhất là việc hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, quy trình tác nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực chuyên ngành dược để đáp ứng yêu cầu trong quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dược, ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn trong xây dựng, lưu trữ dữ liệu ngành dược; ứng dụng các công nghệ phân tích (Analytics) để phân tích nhanh số liệu về hoạt động cung ứng thuốc đảm bảo kịp thời, chính xác, từ đó có chính sách quản lý ngành dược phù hợp. Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ trong việc thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc trực tuyến; đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt trong chuyển đổi số ngành dược…

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
Số hóa ngành dược: Tăng tính minh bạch, giảm chi phí