Theo ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345) có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Trong đó, Quyết định 2345 yêu cầu từ ngày 01/7/2024, các giao dịch chuyển tiền điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.
Sau gần 3 tháng triển khai Quyết định 2345, đến nay, đã có khoảng 37,4 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Trong hai tháng 7-8/2024, theo báo cáo của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), trung bình một ngày có khoảng 25 triệu giao dịch, trong đó có khoảng 1,6 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng. Theo đó, hoạt động thanh toán vẫn diễn ra bình thường.
Qua theo dõi số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD), số lượng vụ việc lừa đảo mất tiền của khách hàng và số lượng tài khoản có phát sinh nhận tiền lừa đảo ở các đơn vị đã giảm đáng kể.
Cụ thể, số lượng vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8/2024 giảm khoảng 50% so với số vụ việc trung bình 7 tháng đầu năm 2024; số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo trong tháng 8/2024 giảm khoảng 72% so với trung bình 7 tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, một số đơn vị đã không có phát sinh số lượng vụ việc trong thời gian tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua.
Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, thời gian qua, các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã chú trọng phát triển mạnh hệ sinh thái số với các sản phẩm dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp như: xác thực, định danh khách hàng bằng thông tin sinh trắc học thông qua Căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử VneID; ứng dụng thanh toán bằng thông tin sinh trắc học khuôn mặt (facepay); kết nối để thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, viện phí, học phí, giao thông, xăng dầu, đi chợ, gọi xe, mua bán hàng hóa dịch vụ gắn với xuất hóa đơn điện tử...
Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt 87,08%. Đến nay, cả nước có trên 84 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 50 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động. Thanh toán, chuyển tiền qua Internet, điện thoại di động, QR Code đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.
Trong 7 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 58,44% về số lượng và 35,13% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 49,83% và 33,72%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 59,09% và 37,97%, giao dịch qua QR Code tăng 106,83% về số lượng và 105,51% về giá trị. Giao dịch qua ATM giảm 13,35% về số lượng và giảm 6,13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy xu hướng dịch chuyển của người dân sang thanh toán không tiền mặt./.