Sớm ban hành quy chuẩn đường bộ cao tốc

(BKTO) - Cả nước đang khai thác gần 1.900km đường cao tốc nhưng nhiều tuyến đường vẫn chưa có trạm dừng nghỉ, làn dừng khẩn cấp, dải phân cách... gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang hoàn thiện Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc để ban hành trong quý I/2024.

14.jpg
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một trong những tuyến cao tốc mẫu hiện có ở Việt Nam. Ảnh: ST

Nhiều đoạn, tuyến cao tốc chưa đạt tiêu chuẩn cao tốc

Tuyến cao tốc đầu tiên của Viêt Nam là TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương khởi công tháng 12/2004 (được đưa vào khai thác tháng từ tháng 02/2010), đến nay đã tròn 20 năm. Sau đó, nhiều tuyến cao tốc tiếp tục khởi công và đưa vào khai thác, với tổng chiều dài gần 1.900km, thế nhưng theo dự kiến quý I/2024, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc mới được ban hành.

Theo Bộ Công an, hiện cả nước có 7 đoạn, tuyến cao tốc chưa đạt tiêu chuẩn cao tốc (không có làn dừng khẩn cấp, không có dải phân cách, chỉ có 2 làn xe hoặc thiếu trạm dừng nghỉ...). Đơn cử, tuyến Nội Bài - Lào Cai đoạn từ Km123 đến Km262+300 có 2 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp nhưng không có dải phân cách, chỉ bố trí các đoạn vượt xe.

Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn - Quốc lộ 45 từ Km259+100 đến nút giao Quốc lộ 45 thuộc tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cao Bồ - Mai Sơn có 4 làn xe chạy, có dải phân cách giữa nhưng không có làn dừng xe khẩn cấp mà cứ 4-5km mới bố trí một làn dừng. Đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam) từ Km39+750 đến Km101+126 có 4 làn đường nhưng không có làn dừng khẩn cấp.

Tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Dầu Giây dài tới 200km nhưng không có trạm dừng nghỉ. Các tuyến cao tốc như: Tiên Yên - Móng Cái dài hơn 63km, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139km, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64km… cũng tương tự. Một số tuyến cao tốc vừa đưa vào sử dụng như: Mai Sơn - Quốc lộ 45, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hay cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (62km) và Trung Lương - Mỹ Thuận (51km), trên cả quãng đường dài 113km này hiện chỉ có một trạm dừng nghỉ tại Km28+200 thuộc địa phận tỉnh Long An. Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mỗi chiều có 1 làn xe, không có dải phân cách, chiều rộng mỗi làn chỉ 3,5m, không có làn dừng khẩn cấp; cứ 10km mới bố trí một đoạn vượt xe có quy mô 2 làn (một chiều) với độ dài 1,5-2km...

Theo PGS,TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, một tuyến cao tốc đúng chuẩn phải có dải phân cách giữa, không được giao cắt đồng mức, có làn dừng khẩn cấp, có công trình hạ tầng dịch vụ như trạm dừng nghỉ. Khi những tiêu chuẩn này được nâng thành quy chuẩn thiết kế thì tất cả dự án đường cao tốc phải tuân thủ đầy đủ.

TS. Nguyễn Đình Thạo - Trường Đại học GTVT Hà Nội - cho rằng, cần đưa vào Quy chuẩn quy định xuyên suốt các hạng mục, bộ phận của đường cao tốc như: Yếu tố hình học, các công trình nền đường, mặt đường, thoát nước, hệ thống an toàn giao thông, hệ thống quản lý giao thông thông minh, trạm thu phí, chiếu sáng, cây xanh. Cần làm rõ việc kiểm soát các lối ra/vào theo nguyên tắc hành chính, qua một tỉnh, huyện có nút giao hay trung bình cứ 30-50km có 1 nút giao. Quy chuẩn cần thống nhất khung giới hạn quy mô, kích thước làn xe...

GS. Dương Ngọc Hải - Trường Đại học Xây dựng - cũng cho rằng, Quy chuẩn cần quy định cứng trạm dừng nghỉ, dải phân cách, hàng rào… và chỉ tiêu kỹ thuật phải có, thiếu một trong các yếu tố đó thì không được gọi là đường cao tốc.

Một tuyến cao tốc đúng chuẩn phải có dải phân cách giữa, không được giao cắt đồng mức, có làn dừng khẩn cấp, có công trình hạ tầng dịch vụ như trạm dừng nghỉ. Khi những tiêu chuẩn này được nâng thành quy chuẩn thiết kế thì tất cả dự án đường cao tốc phải tuân thủ đầy đủ.

PGS,TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam

Xây dựng quy chuẩn đường cao tốc 4 làn xe

Ông Lê Kim Thành - Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam - cho biết, cả nước có gần 1.900km đường cao tốc, tuy nhiên quy mô không đồng đều, có cao tốc phân kỳ đầu tư, có cao tốc phân kỳ đầu tư 2 làn xe hay có tuyến gọi là tiền cao tốc. Vì thế, Chính phủ đã yêu cầu xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc. Từ cuối năm 2023, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã xây dựng và tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến nhân dân về Quy chuẩn này.

Tiếp đó, ngày 21/02/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 16/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ 1 (Công điện 16). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT khẩn trương phối hợp với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc trong quý I/2024, làm căn cứ tổ chức quy hoạch, thiết kế, quản lý đầu tư xây dựng và vận hành an toàn, hiệu quả đường bộ cao tốc. Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành dự thảo Quy chuẩn này và đang gửi Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến thẩm định, sau đó sẽ hoàn thiện và ban hành trong quý I/2024.

Tại Dự thảo, Bộ GTVT đề xuất quy định đường cao tốc hoàn chỉnh phải có tối thiểu 2 làn xe cho mỗi chiều (tổng 4 làn xe chạy). Về tốc độ thiết kế, Dự thảo chỉ quy định 3 cấp tính theo tốc độ xe chạy, là cấp 80km/h, 100km/h và 120km/h. Trong đó, cấp 80km/h chỉ áp dụng với vùng núi, đồi cao, nơi có địa hình khó khăn, hoặc trong trường hợp phân kỳ đầu tư.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về thiết kế các điểm dừng xe dọc tuyến ở những nơi có phong cảnh đẹp với quy mô khác nhau. Cứ khoảng 15km đến 25km phải bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường để người đi đường có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh tự nhiên và tự bảo dưỡng xe. Cứ khoảng 50km đến 60km bố trí một trạm dịch vụ kỹ thuật thông thường, có khả năng cấp xăng, dầu, sạc điện, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn. Cứ khoảng 120km đến 200km bố trí một trạm dịch vụ lớn, có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, sạc điện ngoài ra còn có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn, văn phòng chỉ dẫn du lịch, chỉ dẫn trung chuyển…

Việc Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc được ban hành kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục triệt để những hạn chế trên các tuyến cao tốc hiện nay, đặc biệt là đối với 14 dự án cao tốc sẽ khởi công trong năm 2024./.

Cùng chuyên mục
Sớm ban hành quy chuẩn đường bộ cao tốc