Sử dụng công cụ thuế để kiểm soát biến động giá trong sản xuất nông nghiệp

(BKTO) - Chiều 07/6, trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải trình, làm rõ về giải pháp kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.



                
   

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

   

Chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đại biểu Chu Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) nêu: Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các loại vật tư nông nghiệp đầu vào vẫn tiếp tục tăng trong những năm qua, làm cho người nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lấy công làm lãi, thậm chí là thua lỗ. Đặc biệt, từ khi dịch bệnh Covid-19 đến nay, giá cả các loại hàng hóa tăng phi mã, đây rõ ràng là bài toán cấp thiết đối với ngành nông nghiệp mà khó có thể giải quyết ngay.

“Bộ trưởng có giải pháp như thế nào trong thời gian tới để hỗ trợ giúp người nông dân thích ứng và ứng phó với tình hình này để yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế?” – đại biểu Chu Hồng Thái chất vấn.

Chung mối quan tâm, đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) phản ánh, qua tiếp xúc cử tri cho thấy tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết giải pháp để góp phần kiểm soát giá cả vật tư nông nghiệp.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nước ta làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn...

“Đây là vấn đề Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp nhằm nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp, để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro thị trường” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, vấn đề giá nguyên liệu liên quan tới thị trường, quản lý DN, vật tư đầu vào sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu… Vì vậy, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương đã có rất nhiều phiên họp, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng phân bón, các DN… liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, không dễ mà áp đặt mệnh lệnh hành chính. Trong hoàn cảnh này, các hiệp hội cũng đã có những can thiệp nhất định để bình ổn giá cả.
                
   

Đại biểu Chu Hồng Thái đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: quochoi.vn

   

Bộ trưởng thông tin thêm, tại một số vùng sản xuất nông nghiệp ở nước ta đã có nhiều kinh nghiệm trong tuần hoàn phế phẩm nông nghiệp để thay thế một phần phân bón, thức ăn, chế phẩm hóa học... Về lâu dài, đây là giải pháp để hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp, tạo ra thương hiệu nông sản.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng tha thiết mong muốn 14 triệu hộ nông dân tham gia hợp tác xã. Bởi về mặt nguyên tắc khi mua khối lượng càng lớn thì chiết khấu càng nhiều, sẽ giảm được chi phí đầu vào, giảm được giá của các nguyên liệu đầu vào.

Liên quan đến ý kiến đại biểu về giải pháp phát triển các vùng nguyên liệu cho sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm nhằm giảm nhập khẩu, phát triển sản xuất trong nước, góp phần kiểm soát giá thức ăn gia súc, gia cầm và kiểm soát giá thịt gia súc, gia cầm trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án tự chủ phần nào nguyên liệu phục vụ cho nông nghiệp, kể cả thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón, thuốc sinh học...

Phát biểu làm rõ thêm vấn đề các đại biểu Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, vấn đề giá vật tư tăng cao và khan hàng là điều phổ biến trên toàn cầu do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, do lạm phát tăng cao bởi chính sách kích cầu của nhiều quốc gia.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, Bộ Công Thương bằng mọi chính sách, đặc biệt là chính sách thuế để giảm một số các loại thuế. Một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho DN, như: giảm tiền điện hay là giảm lãi suất trong quá trình tổ chức sản xuất, hỗ trợ việc tìm kiếm những nguồn nguyên liệu thay thế đầu vào để giảm các loại chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường kiểm soát xuất nhập khẩu; theo đó những mặt hàng mà trong nước cần thì chúng ta hạn chế xuất khẩu, tăng cường nhập khẩu những nguyên liệu đầu vào.

“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục áp dụng những chính sách và những biện pháp vừa nêu trên. Đặc biệt chúng tôi sẽ cùng các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Quốc hội và cấp có thẩm quyền có thể nghiên cứu, điều chỉnh lại thuế hoặc trong trường hợp đặc biệt mà giá đầu vào tăng cao hoặc giá nguyên liệu thế giới tăng cao thì chúng ta phải sử dụng những công cụ, chính sách an sinh để giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Đ. KHOA




Cùng chuyên mục
Sử dụng công cụ thuế để kiểm soát biến động giá trong sản xuất nông nghiệp