Sử dụng “vũ khí thần diệu” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng như thế nào?

(BKTO) - Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

2-3-(1).jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, đảng viên tại Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/02/1965. Ảnh: ST

Theo Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên muốn cho mình, cho cách mạng và cho Đảng tiến bộ mãi thì phải không ngừng đấu tranh, tự phê bình và phê bình, nhận rõ đúng sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai, sửa chữa tiến bộ. Người xác định: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình, và kiên quyết sửa chữa”. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng…”.

Từ lý luận và thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Tự phê bình và phê bình là “vũ khí thần diệu” để giúp cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín lãnh đạo cách mạng.

Vậy sử dụng “vũ khí thần diệu” như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất, đem lại lợi ích và ý nghĩa cao nhất trong xây dựng, chính đốn Đảng?

Trước hết, Hồ Chí Minh yêu cầu cần thực hiện tự phê bình và phê bình đúng mục đích. Người dạy: Tự phê bình và phê bình phải có mục đích là để học cái hay, tránh cái dở, là “trị bệnh cứu người”, giúp đỡ, hỗ trợ cho nhau sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ. Theo Người: “Phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ” và: “Phải hiểu rằng vì lợi ích của cách mạng mà phê bình, phê bình cốt để sửa chữa cho nhau”. Hồ Chí Minh xác định: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Tháng 6/1957, nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Tĩnh, Người khẳng định: “Chúng ta đoàn kết mới có lực lượng. Muốn đoàn kết, lực lượng mạnh, phải có phê bình, tự phê bình. Phê bình, tự phê bình là để tăng thêm đoàn kết”.

Hồ Chí Minh cũng đưa ra những biện pháp, cách làm cụ thể trong tự phê bình và phê bình của Đảng. Người chỉ rõ: “Ta phải tự phê bình ráo riết và phải lấy lòng nhân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó đi đôi với nhau”. Người nhắc nhở: “Hễ thấy khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa ngay”, “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt”, “Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người” và “Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm”.

Đồng thời, Hồ Chí Minh còn nhắc nhở trong thực hiện tự phê bình và phê bình cần phải tránh: “Lúc phê bình ta chớ có thái độ gay gắt”, “Chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, châm chọc”, “Tuyệt đối không nên có tính mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ”. Càng không nên “trước mặt không nói, soi mói sau lưng”...

Hồ Chí Minh luôn đưa ra nhiều biện pháp tích cực nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân trong việc thực hiện tự phê bình và phê bình. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người nêu rõ: “Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.

Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên tự giác, gương mẫu nêu cao trách nhiệm trong tự phê bình và phê bình. Người căn dặn từng cán bộ, đảng viên của Đảng cần tự kiểm điểm, tự phê bình và tự sửa chữa thường xuyên, liên tục như việc rửa mặt hằng ngày.

Suốt quá trình xây dựng Đảng, lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và cán bộ, đảng viên của Đảng luôn phấn đấu thực hiện tốt các quy định tại Điều lệ Đảng: “Xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên giáo dục, rèn luyện và quản lý cán bộ, đảng viên, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tính chiến đấu, trình độ kiến thức, năng lực công tác…”. Trong đó, tự phê bình và phê bình được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc đã giúp cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín lãnh đạo cách mạng Việt Nam phát triển.

Tuy nhiên, Đảng cũng đã chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong công tác tự phê bình và phê bình của Đảng thời gian qua. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Có nơi còn buông lỏng sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt chưa cao, sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức; tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng thẳng thắn phát biểu: “…Chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình… không dám nói hết khuyết điểm của mình và không dám phê bình người khác, nhất là phê bình cấp trên. Thái độ nể nang, hữu khuynh “im lặng là vàng”, hoặc thái độ cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng”.

Vừa qua, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII của Đảng về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, đã đề ra quyết tâm, mục tiêu và giải pháp khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm, tiếp tục thúc đẩy, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình để công tác xây dựng Đảng ngày càng tốt hơn. Trong đó có mục tiêu, giải pháp quan trọng mà các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên của Đảng phải nỗ lực phấn đấu thực hiện với trách nhiệm và hiệu quả cao nhất: “Thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết nội bộ, nâng cao chất lượng sinh hoạt theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm…”./.

Cùng chuyên mục
Sử dụng “vũ khí thần diệu” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng như thế nào?