Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 15/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

1(1).jpg
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Đề xuất Trưởng Công an xã có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của Trưởng Công an cấp huyện

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC. Tờ trình nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật dựa trên cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 63/143 điều; trong đó, sửa đổi, bổ sung 24/143 điều, sửa kỹ thuật 23/143 điều (ngoài các điều sửa đổi, bổ sung); bãi bỏ 16 điều và bổ sung mới 2 điều.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định bị tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp, tổ chức bộ máy; sửa đổi, bổ sung một số quy định để tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, cải tiến phương thức làm việc cùng với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy; đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc lớn, mang tính phổ quát.

2(1).jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp. Ảnh: PVQH

Cụ thể, bổ sung mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực (khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; công nghiệp công nghệ số; dữ liệu; bảo vệ dữ liệu cá nhân; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo) theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương liên quan đến việc xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong quản lý nhà nước, bảo đảm sự thống nhất với quy định tại các Luật có liên quan.

Về nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, dự thảo Luật sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng đối với tổ chức) để góp phần đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho cả đối tượng vi phạm và người có thẩm quyền xử phạt, giảm thiểu chi phí xã hội khi thực hiện thủ tục nộp phạt, trên cơ sở bảo đảm phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, mức tăng thu nhập bình quân đầu người hiện nay so với trước đây.

3(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình. Ảnh: VPQH

Đáng chú ý, quy định điều khoản chuyển tiếp (Điều 3 dự thảo Luật) cho phép Trưởng Công an xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của Trưởng Công an cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện kể từ khi Luật được thông qua, trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các chức danh có liên quan tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Thẩm tra dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, UBPLTP tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC; cơ bản thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật. Theo đó, chỉ sửa đổi những vấn đề cấp bách, thực sự cần thiết để phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế cơ bản, mang tính phổ biến trong triển khai thi hành Luật thời gian qua.

Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực (Điều 24), Ủy ban tán thành bổ sung lĩnh vực và mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Đối với đề nghị bổ sung một số lĩnh vực mới, cơ quan thẩm tra đề nghị thuyết minh làm rõ lý do bổ sung và cơ sở xác định mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực.

Về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (Điều 56), UBPLTP tán thành quy định này để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xử lý hành vi vi phạm.

Đề nghị không quy định Ủy ban nhân dân cấp xã được ban hành quyết định phân cấp

Trước đó, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL.

Trong đó, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPP tập trung sửa đổi nhiều nội dung quan trọng, nhằm đồng bộ hóa với chủ trương tổ chức lại bộ máy hành chính, chính quyền địa phương 2 cấp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Dự thảo luật đề xuất bãi bỏ hình thức văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện; đồng thời bổ sung thẩm quyền ban hành VBQPPL cho HĐND, UBND cấp xã để phù hợp với chức năng của cấp chính quyền mới. HĐND cấp tỉnh được mở rộng quyền ban hành nghị quyết để quy định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh theo phân cấp. Đồng thời, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm các văn bản hướng dẫn chi tiết tiếp tục có hiệu lực khi chưa ban hành kịp văn bản mới, tránh khoảng trống pháp lý.

Dự thảo quy định cơ chế để HĐND, UBND đơn vị hành chính mới có thể ban hành văn bản thay thế hoặc bãi bỏ văn bản của đơn vị hành chính cũ. Việc xử lý VBQPPL của cấp huyện phải hoàn tất trước ngày 01/3/2027 để đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với tiến trình sắp xếp bộ máy. Dự thảo luật lược bỏ một số cụm từ liên quan đến vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại nhiều điều luật.

4(1).jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UBPLTP Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị không quy định UBND cấp xã được ban hành quyết định phân cấp. Lý do cấp xã phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước dân, việc phân cấp có thể tạo ra tầng trung gian gây khó khăn trong giải quyết công việc. Thay vào đó, đề xuất xây dựng cơ chế phân công, ủy quyền linh hoạt trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) để phù hợp thực tiễn, nhất là tại các xã mới được sắp xếp có quy mô lớn.

Về hiệu lực của văn bản quy định chi tiết, đa số ý kiến của UBPLTP đề nghị giữ quy định hiện hành của Luật Ban hành VBQPPL, vì quy định mới của dự thảo có thể dẫn đến khoảng trống pháp lý khi văn bản hướng dẫn chưa được kịp rà soát, ban hành lại. Nơn nữa, Luật mới chỉ có hiệu lực từ 01/4/2025 nên cần thêm thời gian kiểm chứng thực tiễn trước khi thay đổi…/.

Cùng chuyên mục
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính