Sửa đổi chính sách để khuyến khích cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng

(BKTO) - Trước những bất cập về công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng và gia đình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định, chính sách về cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn:TTXVN

   

Nhiều quy định không còn phù hợp
Cai nghiện ma túy được xem là giải pháp hiệu quả nhằm giảm tội ác từ ma túy. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, nhiều quy định về cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng không còn phù hợp.

Đơn cử, việc cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hiện nay do Chủ tịch UBND cấp xã chủ trì, tổ chức thực hiện với sự tham gia của Tổ công tác cai nghiện. Tổ công tác này bao gồm cán bộ lao động, y tế và đại diện các tổ chức, đoàn thể. Phần lớn họ đều là cán bộ kiêm nhiệm, thiếu cả chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm. Thực tế, công tác cai nghiện, phục hồi đòi hỏi những kiến thức, kỹ năng về xã hội, y tế chuyên biệt và phải nhiệt huyết. Trách nhiệm nặng nề trong khi những cán bộ kiêm nhiệm này lại không có lương, phụ cấp ít nên thiếu động lực làm việc. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Hơn nữa, việc tận dụng các cơ sở vật chất sẵn có như: trạm y tế, trường học trong kỳ nghỉ hè... để cắt cơn nghiện ma túy hay tranh thủ sự hỗ trợ của các DN trên địa bàn như hiện nay là không còn phù hợp. Bên cạnh đó, việc giao người nghiện cho gia đình quản lý không hiệu quả, nhất là đối với người nghiện mới ra tù, có tiền án, tiền sự, người bị nhiễm HIV/AIDS...

Mặt khác, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay, hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện cũng còn bất cập. Yêu cầu đối với cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện là phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự, trong khi cơ sở cai nghiện ma túy công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện lại không yêu cầu cụ thể, điều này cũng góp phần gây ra sự bất bình đẳng trong cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy.

Cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện công lập là một biện pháp tốt, người nghiện được cách ly ma túy, được cung cấp các dịch vụ cai nghiện, phục hồi và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay, biện pháp này cũng chưa thu hút được nhiều người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện.

Đảm bảo cơ chế khuyến khích cai nghiện tại cộng đồng
Để khắc phục những bất cập trên, Bộ LĐ-TB&XH đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (gộp với Nghị định quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc). Trong đó, Bộ đề xuất một số quy định mới về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Cụ thể, Dự thảo Nghị định đã bổ sung và làm rõ đối tượng, trình tự đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện, quản lý khi người nghiện thay đổi nơi cư trú, không thực hiện, tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy và hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định về cơ sở vật chất của gia đình bảo đảm có chỗ ở, điều kiện ăn, uống cho người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; tạo điều kiện để người cai nghiện ma túy tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, việc làm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân và gia đình; có biện pháp để người cai nghiện không sử dụng trái phép chất ma túy; phối kết hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ trong việc cai nghiện cho người cai nghiện; hỗ trợ quản lý, chăm sóc người cai nghiện trong quá trình cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Cùng với việc sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mục tiêu quan trọng được đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 là 100% các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tại cộng đồng được đầu tư nguồn lực, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác cai nghiện.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện; thí điểm can thiệp dự phòng cho người có nguy cơ cao sử dụng ma túy, người sử dụng ma túy để quản lý, can thiệp kịp thời, hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh./.

LÊ BẢO

Cùng chuyên mục
Sửa đổi chính sách để khuyến khích cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng