Sửa đổi chính sách, tăng quyền lợi cho người lao động

(BKTO) - Thực tiễn triển khai cho thấy, Bộ luật Lao động hiện hành đang có những quy định gây khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng lao động của DN, cũng như chưa đảm bảo hết các quyền lợi của người lao động (NLĐ). Do đó, việc sửa đổi chính sách cho phù hợp, đảm bảo hơn nữa quyền lợi cho NLĐ đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.



Sửa đổi nhiều chính sách lớn về lao động

Bộ luật Lao động năm 2012 đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) lấy ý kiến để sửa đổi toàn diện, thay vì sửa đổi, bổ sung một số điều như quá trình soạn thảo trước đây. Các nhóm chính sách lớn được sửa đổi bao gồm: điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cho NLĐ; mở rộng cơ hội và quyền của các bên tranh chấp trong việc lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp; chính sách tiền lương tiếp tục được thể chế hóa theo cơ chế thị trường, từng bước mở rộng, tạo quyền tự chủ cho người sử dụng lao động và NLĐ.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng đưa vào các định hướng chính sách theo các nghị quyết vừa được T.Ư thông qua, gồm: Nghị quyết số 27-NQ/TƯ về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về chính sách bảo hiểm xã hội. Theo đó, Dự thảo Luật có những sửa đổi về chính sách tiền lương tối thiểu ở mức đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ trên cơ sở sửa đổi khái niệm tiền lương tối thiểu và các tiêu chí xác định lương tối thiểu; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 (tuổi hưu của nam giới sẽ tăng lên 62 tuổi và nữ 60 tuổi). Việc điều chỉnh này được thực hiện theo lộ trình, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, quan điểm sửa Bộ luật Lao động hướng đến là giảm chi phí cho DN, đồng thời đảm bảo quyền lợi của NLĐ, quan trọng là nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm. Bên cạnh đó, việc sửa đổi còn nhằm đảm bảo phát triển cung cầu thị trường lao động, đồng thời quan tâm phát triển bền vững cho DN và xã hội; bảo đảm quyền tự do tìm kiếm việc làm tốt hơn cho NLĐ và phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung mang tính tăng cường khả năng nhận diện các quan hệ lao động trên thực tiễn, khắc phục tình trạng “lách” các quy định của pháp luật lao động. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng nghiên cứu điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong thị trường lao động. Cụ thể như, NLĐ làm việc theo các hình thức liên kết, liên doanh với các DN công nghệ số… nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động và thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động trong bối cảnh chính sách mới.

Mở rộng quyền cho người lao động

Theo các nhà nghiên cứu chính sách, Bộ luật Lao động không chỉ tác động tới NLĐ trong các DN mà còn có ảnh hưởng tới NLĐ tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và toàn xã hội. Do đó, cơ quan soạn thảo cần phải nghiên cứu các đặc thù và đánh giá tác động cụ thể đối với các đối tượng được điều chỉnh đặc biệt trong các chính sách, song cơ bản, Dự thảo Luật phải đảm bảo nâng quyền cho NLĐ so với quy định hiện hành.

Đề cập đến vấn đề này, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, pháp luật có chính sách cởi mở để DN phát triển nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Bởi xét đến cùng, NLĐ vẫn là bên yếu thế trong quan hệ lao động. Theo bà Trần Thị Thanh Hà - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), trong bối cảnh năng lực thương lượng của tổ chức công đoàn còn nhiều hạn chế thì vẫn cần sự quản lý và can thiệp của Nhà nước vào cơ chế tiền lương trong DN. Đặc biệt, việc tiến tới xóa bỏ khoảng cách giữa các bậc lương liền kề trong thời điểm này cũng chưa phù hợp vì sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của NLĐ. Bà Hà cũng kiến nghị, Dự thảo Luật cần có những quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ NLĐ bằng cách xây dựng kết cấu tiền lương theo ngành làm việc, các bên sẽ căn cứ vào đó để tổ chức thương lượng.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - lưu ý, quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi), các đơn vị liên quan cần quan tâm đến nhóm lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức (hiện chiếm trên 50%). Hiện nay, họ đang bị nằm ngoài nhiều quy định của pháp luật, vừa thiệt thòi cho số đông NLĐ, vừa ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Ông Huân cũng cho rằng, Dự thảo Luật cần chú ý bổ sung quy định đối với trường hợp NLĐ bị chấm dứt hợp đồng, trong bối cảnh lao động lớn tuổi bị sa thải, lao động phổ thông bị máy móc thay thế có xu hướng tăng lên, tránh để xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh. Về quy định cho phép NLĐ thành lập, tham gia các tổ chức đại diện cho mình (ngoài tổ chức công đoàn), theo ông Huân, điều này là cần thiết. “NLĐ có tổ chức thực sự đại diện cho mình sẽ bảo vệ quyền lợi của họ tốt hơn, nhưng cũng tạo ra thách thức và buộc giới chủ phải chấp hành các quy định pháp luật” - ông Huân nói và cho rằng nên có từ 2 - 3 tổ chức là phù hợp.

Ghi nhận nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc phòng, chống cưỡng bức lao động thông qua quy định NLĐ được đơn phương chấm dứt hợp đồng vô điều kiện (phải tuân thủ thời hạn báo trước), nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc sửa đổi cần có những tiêu chí để tránh tình trạng lạm dụng quyền để nhảy việc, gây khó khăn cho DN; đồng thời cần có quy định NLĐ phải bồi thường cho DN nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp đã được DN hỗ trợ đào tạo nghề.

Theo kế hoạch, Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp tháng 5/2019 và thông qua vào Kỳ họp tháng 10/2019.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019
Cùng chuyên mục
  • Để mọi người lao động đều có “lưới đỡ”  an sinh…
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đảm bảo an sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, việc mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) - trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội - là một trong những điều kiện tiên quyết để mọi người lao động đều có “lưới đỡ” an sinh và “không ai bị bỏ lại phía sau”.
  • Nhiều điểm mới trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng như: Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; bổ sung 01 ngày nghỉ lễ là ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7.
  • Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Động lực mới phát triển kinh tế nông thôn
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tuy mới được triển khai trong thời gian ngắn nhưng bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần phát triển các sản phẩm có lợi thế của các địa phương. Tuy nhiên, để đưa Chương trình đi vào chiều sâu, các địa phương, DN… vẫn cần chú trọng thực hiện những giải pháp nhằm đưa sản phẩm OCOP thành hàng hóa có thương hiệu, chất lượng và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
  • Tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình- Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2019 của Ban Chỉ đạo (BCĐ).
  • Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 467/QĐ-TTg ngày 25/4/019 về tích hợp các chính sách hỗ trợ thông tin, tuyên truyền cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Sửa đổi chính sách, tăng quyền lợi cho người lao động