Thưa bà, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ngày càng hoàn thiện, các chủ thể tham gia ngày càng đông và đa dạng thì vai trò của các tổ chức kiểm toán độc lập (KTĐL) ngày càng tăng. Bà đánh giá như thế nào về hoạt động của KTĐL tại Việt Nam thời gian qua?
Việt Nam đang trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi với tốc độ phát triển ổn định, mức độ phức tạp của các nghiệp vụ kinh tế cũng gia tăng song hành với số lượng doanh nghiệp và giao dịch tài chính. Theo đó, nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán, kiểm toán và các dịch vụ có liên quan cũng ngày càng tăng với các yêu cầu khác nhau.
Theo xu hướng phát triển chung của thế giới, các chủ đề kinh tế nổi cộm và các yêu cầu mới trong hoạt động kinh doanh xoay quanh các vấn đề về môi trường, quản lý nguồn lực và quản trị doanh nghiệp. Việt Nam không tách rời với các xu hướng phát triển chung của thế giới này. Những thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh, khoa học công nghệ góp phần tạo nên những mô hình kinh doanh đa dạng và sáng tạo, nhưng cũng tạo ra các rủi ro mới. Với vai trò đảm bảo các giá trị về tính minh bạch, niềm tin cho thị trường và các nhà đầu tư, ngành kiểm toán đón nhận những cơ hội và thách thức mới này.
Bên cạnh các dịch vụ kiểm toán theo yêu cầu luật định, các tổ chức KTĐL cũng đa dạng hóa các dịch vụ chuyên biệt để cung cấp cho thị trường tài chính và hỗ trợ xác định, xử lý các rủi ro, nâng cao quy trình lập và trình bày báo cáo, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tuân thủ các yêu cầu về công tác kế toán hiện nay và trong tương lai.
Việc tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh với các quy định pháp luật rõ ràng, không bị chồng chéo giữa các văn bản luật và hội nhập với các thông lệ quốc tế sẽ giúp nền tài chính Việt Nam cũng như ngành kiểm toán phát triển lành mạnh và bền vững.
Bà Trần Thị Thúy Ngọc
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức về trình độ chuyên môn, quản trị doanh nghiệp tốt hơn, nâng cao tính cạnh tranh, phát triển thương hiệu... Tuy nhiên, hoạt động của nhiều công ty KTĐL còn thiếu định hướng chiến lược về thị trường dẫn đến sự cạnh tranh chủ yếu về giá phí. Điều này vô tình khiến thị trường chưa nhận thấy tầm quan trọng của ngành kiểm toán đối với nền kinh tế cũng như các giá trị thực mà ngành đã và đang đóng góp cho nền tài chính Việt Nam.
Xuất phát từ lợi ích thiết yếu của hoạt động kiểm toán, trong 30 năm qua, Nhà nước rất quan tâm phát triển KTĐL, đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội. Vậy, bà đánh giá như thế nào về những cơ chế, chính sách mà Việt Nam đang áp dụng đối với hoạt động của KTĐL?
Kể từ khi Luật KTĐL được ban hành vào năm 2011, nhiều quy định liên quan khác cũng đã được ban hành và có tác động sâu rộng trên nhiều mặt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống các văn bản pháp luật và hướng dẫn về dịch vụ kế toán, kiểm toán của Việt Nam vẫn chưa bao quát hết các nghiệp vụ kinh tế trên thị trường cũng như chưa hoàn toàn phù hợp với các thông lệ quốc tế. Ví dụ, các chuẩn mực kế toán chưa cập nhật so với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế; hệ thống các chuẩn mực kiểm toán ban hành còn thiếu. Hiện nay, Chuẩn mực kế toán Việt Nam và Chuẩn mực kế toán quốc tế vẫn còn một khoảng cách đáng kể.
Hướng tới mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam tiệm cận với khu vực và quốc tế, Bộ Tài chính đã có các chỉ đạo nghiên cứu đề án áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng giao cho VACPA nghiên cứu, biên soạn để trợ giúp Bộ tài chính ban hành các Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam dần tiệm cận với các thay đổi của chuẩn mực quốc tế và thực tiễn.
Chúng tôi cho rằng Bộ Tài chính cần phối hợp với các cơ quan lập pháp đưa ra các chính sách toàn diện hỗ trợ cho việc chuyển đổi thị trường tài chính và thông tin kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế. Sự phối hợp và hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như Quốc hội, Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ban ngành liên quan khác, các đơn vị trực thuộc Bộ tài chính như Tổng cục Thuế rất quan trọng để đảm bảo sự nhất quán trong hệ thống quy định pháp luật khi áp dụng các tiêu chuẩn mới theo thông lệ quốc tế.
Bộ Tài chính đang nghiên cứu và rà soát Luật KTĐL để đề xuất, sửa đổi. Từ góc độ một doanh nghiệp kiểm toán, bà có những đề xuất, ý kiến gì đối với việc cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến KTĐL?
Việc sửa đổi Luật KTĐL là cần thiết để đáp ứng các yêu cầu mới của nền kinh tế, nâng cao chất lượng kiểm toán và đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm trong ngành kiểm toán. Điều này sẽ góp phần tăng cường niềm tin của nhà đầu tư, nhà nước, các bên liên quan và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Hiện nay, Deloitte Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình nêu ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung sửa đổi này. Theo đó, chúng tôi đã góp ý cùng với các kiến nghị thực tiễn ở 15 điều của Luật KTĐL hiện hành, bao gồm các nội dung liên quan đến nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hoạt động KTĐL, quyền và nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán và chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
Thưa bà, để có một nền tài chính lành mạnh, bền vững, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, kiểm toán viên và các tổ chức nghề nghiệp, cơ sở đào tạo cần phối hợp chặt chẽ và tích cực để thực thi các giải pháp. Bà có đề xuất, khuyến nghị gì để KTĐL phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ?
Với kinh nghiệm hành nghề thực tiễn và hiểu biết thị trường hơn 33 năm qua, Deloitte Việt Nam đề xuất 3 khuyến nghị cần ưu tiên.
Thứ nhất, nguồn nhân lực phải được đào tạo theo chuẩn quốc tế, có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, ngoại ngữ tốt, thích ứng được với môi trường lao động quốc tế. Đây là yêu cầu thiết yếu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán khi Việt Nam đã và đang hội nhập vào thị trường tài chính thế giới.
Việc nâng cao trình độ của đội ngũ chuyên gia kiểm toán không chỉ xét trên khía cạnh nghiệp vụ mà còn đảm bảo về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này đòi hỏi các hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực luôn có sự đổi mới căn bản từ nội dung cho đến phương pháp đào tạo.
Thứ hai, các hội nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán cần tiếp tục xây dựng uy tín và đóng góp tiếng nói mạnh mẽ hơn, trở thành trung tâm đưa ra các hướng dẫn, cập nhật cho người làm công tác kế toán, kiểm toán. Để nâng cao vai trò và vị thế của mình, các hội nghề nghiệp cần cải thiện năng lực của chính mình theo chuẩn quốc tế để có thể mở rộng quan hệ hợp tác và tham gia vào các hiệp hội nghề nghiệp quốc tế.
Thứ ba, về vĩ mô, các cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng chiến lược cho sự phát triển chung của nền tài chính và ngành nghề kiểm toán. Do đó, việc tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh với các quy định pháp luật rõ ràng, không bị chồng chéo giữa các văn bản luật và hội nhập với các thông lệ quốc tế sẽ giúp nền tài chính Việt Nam cũng như ngành kiểm toán phát triển lành mạnh và bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn bà!./.