Sửa Luật để tăng tính minh bạch và hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 25/10, Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường trước khi xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp. Trước phiên thảo luận, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Trưởng Ban Soạn thảo Dự án Luật đã trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán nhằm làm rõ hơn một số vấn đề sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật.




Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc giải trình về Dự án sửa đổi Luật KTNN tại Phiên họp thứ 37, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, đã bổ sung khái niệm nhằm giải thích rõ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Xin Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, quy định này có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động kiểm toán của KTNN?

- Sau khi được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Đối với quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung vào phần giải thích thuật ngữ để làm rõ khái niệm về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Đó là các cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Điều đó có nghĩa, KTNN chỉ được kiểm tra, đối chiếu để làm rõ các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị liên quan đến đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng bổ sung quyền được nhận thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN, quyền được khiếu nại kết luận, kiến nghị kiểm toán, khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước của cơ quan, tổ chức được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Việc giải thích rõ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là hết sức cần thiết. Bởi vì, trong Luật KTNN năm 2015 chỉ quy định rõ đối tượng được kiểm toán tại Điều 3 và tổ chức, cá nhân liên quan mà chưa quy định, giải thích rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân (đối tượng liên quan). Mặt khác, thời gian qua, hoạt động kiểm toán nhà nước gặp khó khăn do không nhận được sự hợp tác của các đối tượng có liên quan. Nhiều đơn vị cho rằng họ không phải là đối tượng kiểm toán của KTNN nên không hợp tác, cung cấp tài liệu và làm việc với KTNN, nhưng trên thực tế các đơn vị đó sử dụng tài chính, tài sản công và có quyền lợi, trách nhiệm liên quan trong kết luận kiểm toán, kiến nghị kiểm toán. Do đó, việc giải thích rõ khái niệm về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm toán của KTNN; giúp cho hoạt động kiểm toán minh bạch, hiệu quả hơn, đồng thời đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan.

Thực tế, qua hoạt động kiểm tra, đối chiếu thời gian qua, KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm và kiến nghị truy thu NSNN hàng nghìn tỷ đồng. Vì vậy, việc giải thích rõ về đối tượng có liên quan đến hoạt động kiểm toán sẽ tạo thuận lợi cho KTNN thực hiện tốt nhất việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; chống thất thu NSNN.

♦ Một số ý kiến lo ngại việc bổ sung quy định giải thích về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan như trên có thể dẫn đến việc mở rộng đối tượng kiểm toán; lạm dụng để kiểm tra, đối chiếu tràn lan các đối tượng liên quan. Từ góc độ cơ quan soạn thảo, xin Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết quan điểm về vấn đề này?

- Có thể khẳng định là Dự thảo Luật không hề mở rộng đối tượng kiểm toán so với Luật hiện hành. Điều 68 Luật KTNN năm 2015 đã quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán song chưa giải thích rõ “thế nào là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”, vì vậy, Dự thảo Luật chỉ làm rõ khái niệm này để nhất quán về cách hiểu và áp dụng Luật để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm toán của KTNN.

Mặt khác, hoạt động kiểm toán của KTNN được quy định rất chặt chẽ từ việc xây dựng kế hoạch đến thực hành kiểm toán. Kế hoạch kiểm toán hằng năm của KTNN lấy ý kiến Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, Thanh tra Chính phủ, sau đó tập hợp Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến; trên cơ sở đó, KTNN tiếp thu, giải trình, hoàn thiện kế hoạch kiểm toán và gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp cuối năm. Sau khi tổng hợp, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, kế hoạch kiểm toán mới được Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Kế hoạch kiểm toán và quyết định kiểm toán của Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu cụ thể kiểm toán địa phương nào, Bộ, ngành nào, DN nào, dự án nào được kiểm toán; đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán hay kiểm toán viên không được kiểm toán hoặc kiểm tra, đối chiếu cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN không có trong kế hoạch chi tiết đã công khai. Quy định này cũng nhằm tránh để xảy ra trùng lặp, chồng chéo. Như vậy, không lo ngại về việc lạm dụng, lợi dụng, tùy tiện kiểm tra đối chiếu tràn lan các cơ quan, tổ chức liên quan.

Trong tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán năm, KTNN cũng quán triệt hết sức chặt chẽ. Ngay từ đầu năm, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Chỉ thị về tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán, chẳng hạn tại Chỉ thị thực hiện Kế hoạch kiểm toán 2019, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu nghiêm cấm việc lợi dụng đối chiếu thuế để hạch sách, vòi vĩnh, tiêu cực với đơn vị; đồng thời giới hạn số lượng mẫu chọn đối chiếu thuế không quá 50% so với năm 2018.

♦ Dự thảo Luật cũng bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán và cơ sở dữ liệu quốc gia để khai thác, thu thập thông tin phục vụ công tác kiểm toán. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về việc đảm bảo tính bảo mật, an toàn thông tin, dữ liệu trong quá trình truy cập. Vậy vấn đề này được quy định như thế nào để đảm bảo đúng quy định pháp luật, thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước?

- Trong thời đại công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động sản xuất kinh doanh là tất yếu, việc số hóa dữ liệu, thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử… phát triển mạnh mẽ và đã là phổ biến, vì vậy, hoạt động kiểm toán nhà nước cần phải được cung cấp, thu thập, kiểm tra hồ sơ, tài liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán.

Thời gian qua, KTNN đã tích cực trong việc tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán. KTNN đã triển khai nhật ký điện tử của kiểm toán viên, đưa vào sử dụng phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán trong một số lĩnh vực, phần mềm kiểm toán dự án đầu tư, kiểm toán DN, phần mềm theo dõi kết quả kiểm toán… và đã xây dựng trung tâm dữ liệu điện tử, đã số hóa toàn bộ báo cáo kiểm toán các năm 2019 trở về trước.

KTNN đã ứng dụng CNTT trong việc sử dụng viễn thám xác định sản lượng mỏ, diện tích đất và công nghệ siêu âm phần chìm của bê tông cốt thép. Thời gian qua, KTNN cũng đã tiến hành các cuộc kiểm toán kỹ thuật về CNTT tại Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Ngân hàng Vietcombank. Thời gian tới, KTNN đặt ra mục tiêu tiến hành kiểm toán tại trụ sở KTNN, không kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán nhằm đảm bảo thuận lợi cho hoạt động các đơn vị và tránh tiếp xúc, hạn chế phiền hà, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.

Để hoạt động kiểm toán trong kỷ nguyên số phải có cơ sở dữ liệu đầu vào, cơ sở dữ liệu đó phải được thu thập từ các đơn vị, đầu mối kiểm toán. Để thực hiện kiểm tra tính chính xác số liệu, KTNN phải được truy cập cơ sở dữ liệu của các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan, tổ chức có liên quan khi thực hiện kiểm toán.

Vấn đề ý kiến của các đại biểu Quốc hội sợ lộ các dữ liệu từ tối mật, tuyệt mật, có những thông tin là bí mật riêng tư, bí mật nhà nước… theo tôi không cần phải lo ngại vì việc truy cập cơ sở dữ liệu chỉ được lấy số liệu, tài liệu phục vụ hoạt động kiểm toán thì phải bảo đảm Luật An ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin... Mặt khác, trưởng đoàn kiểm toán hoặc kiểm toán viên được ủy quyền mới được truy cập và thực hiện truy cập dưới sự giám sát của đơn vị được kiểm toán. Khi trưởng đoàn kiểm toán hoặc kiểm toán viên được đơn vị được kiểm toán cấp tài khoản, quy định nội dung, giới hạn truy cập thì mới thực hiện truy cập, đồng thời có sự giám sát của đơn vị được kiểm toán và chịu trách nhiệm về giữ bí mật cho đơn vị được kiểm toán. Chính vì vậy, Dự thảo Luật lần này đã bổ sung quyền truy cập vào dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán và cơ sở dữ liệu quốc gia để khai thác, thu thập thông tin liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán; đồng thời KTNN phải chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật là yêu cầu cần thiết, khách quan để thực hiện kiểm toán.

Liên quan đến việc bổ sung quy định quyền khiếu nại, khởi kiện của đơn vị được kiểm toán và đơn vị có liên quan, có ý kiến cho rằng, báo cáo kiểm toán không phải là quyết định hành chính nên quy định khiếu nại là không hợp lý và nên căn cứ vào quy định của các luật có liên quan. Xin Tổng Kiểm toán Nhà nước phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Luật KTNN hiện hành đã có quy định về giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo kiểm toán nhưng chưa quy định quyền khởi kiện ra tòa khi đơn vị được kiểm toán không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của KTNN. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cũng chưa quy định có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kết luận, kiến nghị của KTNN. Vì vậy, Dự thảo Luật lần này quy định rõ quyền khiếu nại khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, đồng thời quy định quyền khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Dự thảo Luật cũng bổ sung, quy định rõ trình tự, thủ tục, thời gian khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Đồng thời, quy định rõ nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khởi kiện ra tòa. Trong thời gian giải quyết khiếu nại hoặc khởi kiện, đơn vị được kiểm toán vẫn phải thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.

Việc quy định như trên là hợp lý, không mâu thuẫn, xung đột với các luật liên quan, vì Luật KTNN năm 2015 đã quy định quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán của KTNN. Dự thảo sửa đổi Luật KTNN 2019 quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cũng được khiếu nại, tố cáo KTNN vì liên quan đến quyền lợi của họ. Đồng thời quy định khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước là phù hợp với Luật Khởi kiện hành chính hiện hành. Việc bổ sung quy định này góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động kiểm toán nhà nước; nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện kết luận kiểm toán.

♦ Xin trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán Nhà nước!

N.HỒNG (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 24-10-2019
Cùng chuyên mục
Sửa Luật để tăng tính minh bạch và hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán nhà nước