Một số chính sách hỗ trợ việc làm đối với nhóm lao động đặc thù, yếu thế sẽ được sửa đổi, bổ sung để góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Ảnh:Internet |
“Khoảng trống” nhân lực nông thôn
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã góp phần tạo việc làm, thu nhập song cũng lấy đi tài nguyên của nông nghiệp, tiếp tục tạo chênh lệch giữa đô thị - nông thôn, miền núi - miền xuôi, đẩy mạnh di cư. Đây là thách thức rất lớn, kéo theo sự thay đổi mạnh mẽ toàn bộ xã hội nông thôn.
Hàng triệu người dân nông thôn sẽ thành thị dân, hàng triệu lao động nông nghiệp sẽ chuyển sang phi nông nghiệp trong một thời gian ngắn. Điều này dẫn tới sự thiếu hụt nghiêm trọng của lực lượng lao động trẻ trong nông nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, hằng năm có 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp với nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn cho thu nhập hàng tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 5 triệu lao động.
Trong đó, trên 1,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên, hơn 3 triệu lao động có việc làm theo mùa vụ hoặc khâu công việc, giúp hơn 200 nghìn hộ nông dân thoát nghèo... Đáng chú ý, so với giai đoạn 2012-2017, hiện nay, số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 2 lần.
Dù vậy, nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi quy mô còn nhỏ, phương thức sản xuất cá thể, tự phát; trình độ khoa học - kỹ thuật và quản lý còn yếu. Chính vì thế, cần có cơ chế đào tạo người nông dân chuyên nghiệp thông qua việc trang bị kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử, sử dụng những thiết bị thông minh; chuyển đổi số trong nông nghiệp… để nông dân nắm bắt được thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế.
Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, bà Dương Thị Bích Diệp - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khởi nghiệp Xanh - cho rằng, hội nhập quốc tế vừa mở ra thị trường, tạo cơ hội đầu tư vừa tạo ra sự cạnh tranh rất khốc liệt. Cách mạng khoa học công nghệ tạo động lực cho tăng trưởng, song tự động hóa sẽ đẩy lao động thủ công đứng trước nguy cơ ra khỏi các hoạt động sản xuất. Điều này đe dọa trực tiếp tới người nông dân trong khi khả năng tích lũy vốn, độ bao phủ phúc lợi xã hội, năng lực đào tạo nghề, thị trường lao động chính thức còn hạn chế.
“Hiện nay, 60% dân số nước ta đang sống ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Đồng thời, tình trạng ly hương ngày càng nhiều của lao động trẻ vùng nông thôn về các thành phố, khu công nghiệp - khu chế xuất làm việc dẫn đến “khoảng trống” lớn về nguồn nhân lực”- bà Diệp cho biết.
Nguyên nhân khiến lực lượng trẻ thoát ly khỏi nông nghiệp, theo bà Diệp, là do chưa có các chính sách cụ thể để định hướng và hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tạo cơ chế đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Về chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cũng thừa nhận, quy định khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo và tuyển dụng lao động nông thôn đã qua đào tạo, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm, nhất là việc làm tại chỗ cho lao động ở khu vực nông thôn còn thiếu.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng chưa có quy định về chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi; chính sách thúc đẩy chính thức hóa việc làm khu vực phi chính thức.
Trước thực tế trên, tại Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐTBXH đề xuất quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nói chung, một số nhóm lao động yếu thế, đặc thù nói riêng. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm theo hướng chủ động, bao phủ cả nhóm lao động phi chính thức, lao động không có giao kết hợp đồng lao động; bổ sung các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động.
Bộ cũng đề xuất bổ sung đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ngoài 5 đối tượng hiện hành) gồm: Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; lao động thuộc huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Đề cập về giải pháp nâng cao chất lượng lao động nông thôn, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH Vũ Trọng Bình cho biết, một số chính sách hỗ trợ việc làm đối với nhóm lao động đặc thù, yếu thế sẽ được sửa đổi, bổ sung như: Khuyến khích doanh nghiệp/cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia đào tạo và tuyển dụng lao động nông thôn đã qua đào tạo; hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn./.
“Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội, nếu tận dụng được, thị trường lao động chắc chắn sẽ có thể phát triển nhanh, bền vững hơn. Vì vậy, Luật Việc làm cần sửa đổi, bổ sung theo hướng thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, yếu thế...” - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung. |
THÀNH ĐỨC