Sửa nhanh một số điều, khoản đang gây ách tắc cho sản xuất, kinh doanh

(BKTO) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 140/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ, những vấn đề cần quan tâm giải quyết.



                
   

Tiếp tục đổi mới công tác xây dựng pháp luật - Ảnh minh họa

   

Tăng cường sự tham gia tích cực của người dân vào quá trình xây dựng pháp luật

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ động nghiên cứu, rà soát hệ thống pháp luật để tham mưu kịp thời cho Đảng và Nhà nước xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, bảo đảm cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng; hoàn thiện môi trường pháp lý, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Nghiên cứu, đề xuất tiếp tục đổi mới công tác xây dựng pháp luật; trước mắt, tham mưu cho Chính phủ và đôn đốc các Bộ, cơ quan áp dụng quy trình rút gọn để sửa nhanh một số điều, khoản đang gây ách tắc cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường sự tham gia tích cực, hiệu quả của người dân vào quá trình xây dựng pháp luật. Xây dựng pháp luật phải có tinh thần cầu thị, lắng nghe, kể cả ý kiến phản biện, trái chiều. Bộ Tư pháp cũng cần tăng cường hơn nữa năng lực thẩm định, phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát các văn bản pháp luật theo Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục những văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung nhanh nhất, trong tháng 6/2021. Đối với những quy định ở các luật, pháp lệnh đang còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội, nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị quyết cả gói trình Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ nhất để xử lý, tổng thể, kịp thời.

Coi trọng hội nhập quốc tế, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để có đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp lý giỏi tham gia tư vấn pháp luật trong giải quyết các tranh chấp quốc tế. Nâng cao năng lực pháp luật quốc tế, tăng cường vai trò là cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế.

Đầu tư nguồn lực con người và kinh phí trong xây dựng pháp luật

Thủ tướng yêu cầu tăng cường chỉ đạo và đổi mới các giải pháp thực hiện nhiệm vụ đi đôi với đầu tư nguồn lực con người và kinh phí trong các lĩnh vực hành chính tư pháp và quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp; khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật trong một số lĩnh vực dịch vụ pháp lý; đồng thời, chú ý phát huy tối đa vai trò, trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ luật sư...

Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nghiên cứu khả năng hợp nhất một số cơ sở đào tạo để bảo đảm liên thông sử dụng chung cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án kiểm soát chất lượng đào tạo, rà soát, đánh giá, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo luật không đủ uy tín, chất lượng.

Về các kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý và yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi công tác xây dựng thể chế, pháp luật; thường xuyên rà soát, tổng kết, đánh giá thi hành pháp luật để chủ động tháo gỡ các vướng mắc, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện cho phát triển; thực hiện tốt công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, sớm sửa đổi các quy định về kinh phí thỏa đáng cho công tác xây dựng pháp luật.

Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn kinh phí hợp lý nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho những lĩnh vực còn yếu và thiếu của ngành; đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành theo nguyên tắc chia sẻ, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, hỗ trợ môi trường pháp lý thuận lợi./.
HỒNG NHUNG


Cùng chuyên mục
Sửa nhanh một số điều, khoản đang gây ách tắc cho sản xuất, kinh doanh