Tài chính - Kế toán trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

(BKTO) - Đó là chủ đề của Hội thảo quốc tế do Học viện Tài chính và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17/12, tại Hà Nội. Hội thảo nhằm xây dựng và trang bị hệ thống cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn cùng các giải pháp cho việc phát triển tài chính - kế toán, kiểm toán trong bối cảnh mới.



                
   

Quang cảnh Hội thảo

   
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính - cho biết: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đem đến nhiều lợi ích và cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, kinh doanh.

Nhiều dự báo cho thấy, CMCN 4.0 sẽ tác động sâu sắc, to lớn và nhiều mặt không chỉ về kinh tế, xã hội và môi trường mà còn cả lên cách sống và phương thức sống của người dân, thậm chí là tác động đến an ninh, chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng này là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong xu thế đó, CMCN 4.0 có thể tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt nhưng cũng là cơ hội để các tổ chức tài chính - kế toán, kiểm toán không ngừng phát triển.

Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn theo những cách thức mới. Đồng thời, cuộc cách mạng này còn làm thay đổi hoàn toàn các kênh và phương thức huy động, phân phối vốn, phương thức tiếp cận vốn, tiếp cận các sản phẩm dịch vụ, dịch vụ, chính sách tài chính và công tác quản lý cho đối tượng quản lý mới được tạo ra từ các hệ thống kinh doanh số; giúp nâng cao chất lượng quản lý kinh tế vĩ mô, cho phép theo dõi và thay đổi kế hoạch tài chính theo thời gian thực trên dữ liệu thực và dữ liệu lớn…

CMCN 4.0 với các ứng dụng vạn vật, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối trên toàn thế giới… sẽ mở ra cơ hội tốt cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán tiếp cận những phần mềm kế toán tiện ích, chi phí phù hợp, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiếp cận hệ thống kế toán, kiểm toán quốc tế.

PGS,TS. Nguyễn Trọng Cơ nhấn mạnh, Hội thảo là diễn đàn kết nối để các nhà khoa học, các tổ chức nghề nghiệp trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ thông tin, xu thế mới trên thế giới, qua đó có chiến lược đổi mới, đưa ngành kế toán, kiểm toán và tài chính Việt Nam bắt kịp được sự phát triển của khu vực và thế giới.

Trên cơ sở đó, tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cần tập trung làm rõ và thảo luận sâu vào các nội dung sau: tài chính công, tự chủ tài chính, các chính sách tài chính; tài chính DN; quản trị DN; tài chính quốc tế; giáo dục và đào tạo tài chính trong CMCN 4.0; những khó khăn, thuận lợi, thách thức của kế toán trong CMCN 4.0; kế toán sáng tạo và quản trị lợi nhuận; các vấn đề liên quan đến thuế, chuẩn mực kế toán; chuyển giá; kiểm soát nội bộ; công nghệ thông tin đối với kiểm toán; an toàn thông tin kiểm toán; đào tạo kiểm toán trong bối cảnh CMCN 4.0...

Sau phần khai mạc và phiên họp toàn thể, Hội thảo có 4 phiên thảo luận chuyên đề với các nội dung: tài chính; kế toán; chính sách tài chính - thuế đối với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tin và ảnh: THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Tài chính - Kế toán trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư