Tăng cường các giải pháp ngăn chặn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng

(BKTO) - Tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, kém chất lượng vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường, khiến hàng triệu người nông dân bị ảnh hưởng và nhiều DN sản xuất chân chính đang phải gánh chịu thiệt hại. Để giải quyết dứt điểm vấn nạn này, cần có sự phối hợp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan chức năng.



                
   

Cơ quan chức năng kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh phân bón - Ảnh:nongnghiep.vn

   

Vi phạm tràn lan

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón và hơn 100.000 tấn thuốc BVTV; nông dân tiêu thụ trên 10 triệu tấn phân bón, trong đó có từ 30-50% là phân bón giả, kém chất lượng. Bình quân mỗi năm lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trên 3.000 vụ phân bón giả kém chất lượng. Hàng năm, các cơ quan chức năng đã kiểm tra hàng ngàn hộ kinh doanh phân bón thì có hàng trăm hộ vi phạm (khoảng 42%); kiểm nghiệm hàng ngàn mẫu phân bón thì có hàng trăm mẫu (khoảng 31%) không đạt tiêu chuẩn chất lượng....

Đặc biệt, thời gian gần đây, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhiều cơ sở, công ty sản xuất phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng, thậm chí làm giả, nhái thương hiệu đã bị phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Mới đây nhất, ngày 18/5, UBND tỉnh Cà Mau vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 120 triệu đồng, đối với chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Theo đó, chủ cửa hàng này bị phạt vì buôn bán vật tư nông nghiệp giả và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc nộp lại toàn bộ số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Cách đây chưa lâu, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố vụ án hình sự về tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón xảy ra tại Công ty TNHH thương mại Châu Rhino tại phường Trảng Dài, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

Tại Long An, Công an cũng phát hiện Công ty TNHH Minh Phát có dấu hiệu sản xuất tiêu thụ phân bón giả tại đường số 01 khu công nghiệp Tân Kim, huyện Cần Giuộc. Tỉnh Bình Phước cũng vừa ra quyết định xử lý, buộc áp dụng các biện pháp khắc phục đối với 4 trường hợp có phân bón không đạt chất lượng, buộc tiêu huỷ toàn bộ…

Liên tục phát hiện và xử phạt, tuy nhiên hiện nay phân bón giả vẫn tràn lan trên thị trường, khiến hàng triệu người nông dân bị ảnh hưởng và nhiều DN sản xuất chân chính đang phải gánh chịu thiệt hại.

Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Nhiều ý kiến cho rằng, để dẫn đến thực trạng này là vì, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và phân bón được công nhận lưu hành ở nước ta có số lượng rất lớn. Cụ thể, gần 21 nghìn sản phẩm phân bón; 400 hoạt chất đơn, hàng nghìn hoạt chất hỗn hợp và khoảng 4.000 tên thương phẩm thuốc BVTV... Điều này khiến cho người tiêu dùng rất khó lựa chọn, đây cũng chính là kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm kinh doanh bất chính.

Thêm vào đó, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, do số vụ việc bị khởi tố rất ít, đa phần áp dụng xử phạt vi phạm hành chính, trong khi lợi nhuận từ phân bón giả rất lớn…

Để ngăn chặn phân bón giả, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan chức năng. Trong đó, cơ quan quản lý thị trường cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra DN sản xuất, gia công phân bón và xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam và các DN sản xuất, kinh doanh phân bón trong việc cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng để tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) đã ký kết Quy chế phối hợp nhằm đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV.

Theo nội dung cam kết, hai bên sẽ cùng nhau trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ cho việc đấu tranh chống nạn phân bón, thuốc BVTV, không bảo đảm chất lượng trên thị trường; phối hợp, hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ của hai bên trong công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc BVTV; phổ biến, tuyên truyền pháp luật để tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, không sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc BVTV giả, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Cùng với đó là tổng hợp, phân tích, đánh giá đúng thực trạng việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV…; xây dựng các văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phân bón, thuốc BVTV; phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV...

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Tăng cường các giải pháp ngăn chặn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng