Tăng cường giám sát, tái cơ cấu doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả

(BKTO) - Nhóm đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) cần phối hợp với Hội đồng quản trị chỉ đạo người quản lý, người đại diện theo ủy quyền tiếp tục đánh giá tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn góp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tăng cường giám sát, thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) Đỗ Hữu Huy tại Hội nghị Tổng kết công tác quản lý vốn năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 tại các doanh nghiệp khác và sơ kết công tác sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của Vinafor vừa diễn ra tại Hải Phòng.

01.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: UB

Báo cáo tổng kết công tác quản lý vốn năm 2023, ông Nguyễn Trung Kiên - Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Vinafor - cho biết, năm 2023, trước những khó khăn, thách thức nặng nề, Tổng công ty đã có những chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, hợp lý, hiệu quả; có những biện pháp hỗ trợ về tài chính, con người đối với những đơn vị gặp khó khăn, thể hiện rõ vai trò của Công ty mẹ, tạo sự gắn kết giữa các đơn vị thành viên để cùng phát triển.

Đa phần các doanh nghiệp có vốn góp hoạt động có hiệu quả, một số doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, vượt kế hoạch lợi nhuận được giao. Khối công ty TNHH hai thành viên tiếp tục là khối dẫn đầu về hiệu quả đầu tư. Khối công ty TNHH MTV cũng đạt nhiều kết quả tích cực.

Ông Nguyễn Trung Kiên

Về hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống năm 2023, các đơn vị lâm nghiệp sản xuất và tiêu thụ 37,43 triệu cây giống các loại. Hiện nay, một số đơn vị lâm nghiệp đã và đang triển khai cải tạo mở rộng, nâng cấp vườn ươm với công nghệ hiện đại để tăng công suất sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường đẩy mạnh tiêu thụ cây giống chất lượng cao theo định hướng chiến lược phát triển của Vinafor.

Các đơn vị lâm nghiệp đã phối hợp với Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam khảo nghiệm giống mới trong nước. Năng suất bình quân các giống mới tại mô hình khảo nghiệm đạt 22-25 m3/ha/năm, tiếp tục theo dõi, trồng thí điểm mở rộng và đưa vào trồng đại trà khi đã được cấp có thẩm quyền công nhận giống.

Về công tác trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ và khai thác rừng, năm 2023, các đơn vị lâm nghiệp đã tạo mới được 2.890 ha rừng; khai thác được 2.613 ha. Vinafor thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý sử dụng đất đúng mục đích và đúng quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tăng diện tích trồng các giống mới (keo lá tràm, bạch đàn cao sản, keo lai…); trồng rừng tập trung, thâm canh cao, nuôi rừng gỗ có đường kính lớn, đưa một số loài cây bản địa trồng vùng đệm, bờ lô, ven khe… để tăng diện tích rừng trồng.

Tổng công ty đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy trình kỹ thuật lâm sinh; thẩm định hồ sơ thiết kế khai thác; nâng cao hiệu quả đầu tư trồng rừng; trong năm đã phân loại rừng để khai thác, tiêu thụ bằng nhiều hình thức như tự tổ chức khai thác (chiếm 29% diện tích); bán đấu giá cây đứng (chiếm 24% diện tích); hình thức khác (chiếm 47% diện tích).

Lợi ích đem lại từ các hoạt động đầu tư thể hiện rõ thông qua giá trị kinh tế, giá trị thương hiệu cũng như hình ảnh uy tín của Tổng công ty tại các đơn vị. Phần lớn các doanh nghiệp có vốn góp thực hiện quản trị điều hành đúng quy định pháp luật; đã tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khoản thu chi, thường xuyên theo dõi, đối chiếu, thu hồi công nợ, trích lập dự phòng theo quy định.

Việc phân cấp, phân quyền giữa Vinafor và người quản lý, người đại diện trong điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo từng mô hình hoạt động, quy mô góp vốn của Tổng công ty cơ bản đã thực hiện rõ ràng, minh bạch, bảo đảm quyền tự chủ hơn trong hoạt động của doanh nghiệp.

Công tác kiểm tra, giám sát đã được tăng cường, chú trọng đặc biệt tại các đơn vị thuộc diện giám sát đặc biệt theo phương án cơ cấu lại để từng bước khôi phục lại hoạt động, ngành nghề chính, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đại đa số người đại diện tuân thủ quy chế, quy định, chỉ đạo của Vinafor, thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ; công tác phối hợp tại các đơn vị cơ bản thực hiện tốt, chất lượng báo cáo của người đại diện đã được cải thiện rõ rệt so với các năm trước.

Người đại diện đã phát huy tốt vai trò của người quản lý phần vốn Tổng công ty, từng bước ổn định đơn vị, ổn định công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng, ổn định đời sống người lao động, mang lại kết quả sản xuất, kinh doanh cao. Duy trì, phát triển mối quan hệ tốt giữa Tổng công ty với các đối tác nước ngoài góp phần nâng cao vị thế hình ảnh, uy tín của thương hiệu Vinafor đến với chính quyền địa phương, các đối tác, các đơn vị có vốn góp, người dân địa phương.

Báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - đại diện của Vinafor cho biết, tình hình thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ đã đạt được một số kết quả khả quan.

Tổng doanh thu hợp nhất của Vinafor ước đạt 1.028 tỷ đồng, đạt khoảng 52% kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 224 tỷ đồng, đạt khoảng 65% kế hoạch năm 2024. Chỉ tiêu tạo rừng mới ước đạt 1.682 ha. Chỉ tiêu khai thác gỗ ước đạt 1.913 ha. Thu hồi đất lấn chiếm ước đạt 208 ha. Sản xuất, kinh doanh cây giống ước đạt 25,5 triệu cây.

Phó Chủ tịch UBQLV Đỗ Hữu Huy đánh giá, Vinafor đã cố gắng tháo gỡ khó khăn và cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao, phát huy các nguồn lực hiện có để đạt được một số kết quả nhất định.

Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy đề nghị nhóm đại diện phần vốn nhà nước tại Vinafor phối hợp với HĐQT chỉ đạo người quản lý, người đại diện theo ủy quyền tại các doanh nghiệp khác tiếp tục đánh giá đầy đủ, kịp thời tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn góp, để có biện pháp khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là có các biện pháp tăng cường giám sát, thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty hoạt động chưa hiệu quả.

Đối với các công ty có lãi, có tích lũy, căn cứ vào vốn điều lệ, nguồn quỹ đầu tư phát triển, khả năng huy động vốn vay hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để xác định đúng nhu cầu nguồn vốn cho đầu tư, kinh doanh, Vinafor chỉ đạo người đại diện vốn tại doanh nghiệp khác xem xét, đề nghị Công ty có vốn góp của Tổng công ty thực hiện phân phối lợi nhuận về Công ty mẹ phù hợp để điều tiết, cân đối nguồn lực trong toàn Tổng công ty.

02.jpg
Phó Chủ tịch UBQLV Đỗ Hữu Huy trao Cờ thi đua cho tập thể Vinafor có thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2023. Ảnh: UB

Bên cạnh đó, Vinafor cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tài chính, sản xuất, kinh doanh, thu hồi nợ của các công ty con, công ty có vốn góp của Tổng công ty, có giải pháp xử lý đối với một số công ty kém hiệu quả; quản lý, sử dụng tài sản, đất đai có hiệu quả, đúng mục đích.

Tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ quản trị hiện đại phù hợp với doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, đảm bảo tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp góp phần nâng cao uy tín và giá trị gia tăng cổ phần của Tổng công ty trên thị trường chứng khoán.

Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy cũng yêu cầu Vinafor đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng rừng, khai thác rừng và sản xuất giống lâm nghiệp; nâng cao giá trị rừng trong tất cả các mặt từ sản xuất, kinh doanh gỗ, dịch vụ môi trường rừng và tín chỉ carbon rừng…

Ông Phí Mạnh Cường - Chủ tịch HĐQT Vinafor - nhấn mạnh, Vinafor sẽ phát huy tối đa mọi nguồn lực để phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 đề ra. HĐQT sẽ phối hợp với Ban Điều hành tiếp tục triển khai Đề án phát triển công nghệ thông tin của Tổng công ty; hoàn thành Đề án kinh doanh tín chỉ carbon; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế; kinh doanh gỗ nguyên liệu nhập khẩu và một số mặt hàng mới…/.

Cùng chuyên mục
Tăng cường giám sát, tái cơ cấu doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả