Tăng cường nguồn lực, tiếp đà phục hồi du lịch

(BKTO) - Nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách trong bối cảnh mới, ngành du lịch sẽ tăng cường đầu tư, cũng như chú trọng liên kết vùng, liên kết giữa du lịch với các ngành khác để tạo nên các điểm đến mới, hấp dẫn, hình thành chuỗi giá trị, qua đó tạo động lực giúp thúc đẩy phục hồi hoàn toàn ngành “công nghiệp không khói”…

16.jpg
7 tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt. Ảnh: ST

Tăng cường đầu tư cho du lịch

Sau những ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, ngành du lịch đang nỗ lực trên đà phục hồi trở lại. Do đó, yêu cầu đầu tư đổi mới điểm đến, nâng cấp hạ tầng du lịch là một trong những ưu tiên trọng tâm trong kế hoạch phát triển ngành du lịch nhằm thu hút du khách trở lại, đặc biệt là khách quốc tế.

7 tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt (tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 1,9% so với năm 2019 - trước đại dịch Covid-19); trong khi lượng khách nội địa đạt gần 80 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 513.000 tỷ đồng.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL), ngành du lịch sẽ ưu tiên tập trung đầu tư các tuyến, vùng du lịch trọng điểm, từ hạ tầng du lịch, giao thông đến đầu tư cho nguồn nhân lực du lịch; xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo dựa trên tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh giữa các vùng. “Sau đại dịch, nhu cầu về điểm đến của du khách có nhiều thay đổi, khi sự an toàn, tiện ích được ưu tiên hàng đầu. Đây là lý do ngành du lịch cũng phải đầu tư, nâng cấp, cũng như tạo dựng các điểm đến mới phù hợp, đáp ứng nhu cầu của du khách” - ông Nguyễn Đạo Dũng (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) cho biết.

Mặc dù chính sách ưu tiên, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch được chú trọng trong những năm gần đây đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, các chính sách về thu hút vốn đầu tư hạ tầng du lịch vẫn chưa được hiện thực hóa thành các giải pháp thống nhất, đột phá và cụ thể để phát triển hạ tầng du lịch một cách đồng bộ và bền vững. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực công dành cho du lịch còn hạn chế, ngành du lịch cần có giải pháp để đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là ở những vùng có tiềm năng… Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội khi đề cập đến du lịch tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra mới đây.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) đánh giá, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính lan tỏa đến nhiều lĩnh vực, do đó cần được đầu tư nhiều hơn. Trong đó, cần quan tâm đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, di tích văn hóa, bảo vệ các danh lam thắng cảnh; đầu tư cho hạ tầng của ngành du lịch, các khu vui chơi, giải trí hay kể cả đầu tư luồng tàu du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, cần chú ý đầu tư cho lĩnh vực an ninh du lịch để hỗ trợ cho khách du lịch quốc tế, tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện, có như vậy thì ngành du lịch của Việt Nam mới phát triển tương xứng với tiềm năng và có tính bền vững.

Chú trọng liên kết trong xây dựng chuỗi giá trị du lịch

Để phát triển du lịch, việc tăng cường đầu tư, từng bước hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa ngành du lịch là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, yêu cầu trêń là chưa đủ, khi ngành du lịch - ngành kinh tế tổng hợp có liên quan đến nhiều ngành khác không thể tự mình mang lại sự thay đổi đột phá mà đòi hỏi cần có sự liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác.

Trao đổi về thực trạng nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng vắng khách trong mùa cao điểm vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, câu chuyện này xuất phát từ việc giá vé máy bay tăng cao, khiến người dân phải đổi kế hoạch du lịch. Nhiều du khách đã chọn du lịch nước ngoài, thay vì điểm đến trong nước vì chi phí bay tương đương, trong khi được trải nghiệm điểm đến mới. “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có liên quan đến nhiều ngành khác, đặc biệt là hàng không, nên cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành” - ông Bình cho biết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng cũng cho rằng sự phối hợp giữa các cơ quan để chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ cho ngành du lịch còn chưa đáp ứng với yêu cầu là một ngành kinh tế tổng hợp mũi nhọn, nhiều vấn đề liên ngành chưa được giải quyết triệt để. Bất cập này đã cho thấy sự cấp thiết cần phải tăng cường liên kết giữa các ngành, lĩnh vực trong phát triển du lịch; đặc biệt là các ngành gần như: Giao thông, nông nghiệp, môi trường…

Để du lịch thực sự là ngành mũi nhọn, ngành kinh tế tổng hợp lan tỏa, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các Bộ, ngành, địa phương; sự hợp tác, cạnh tranh bình đẳng và luôn làm mới chính mình của các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng

Tại buổi làm việc với ngành Nông nghiệp về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn vừa qua, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong quá trình phát triển thì phải có sự liên kết, ngoài vai trò “bà đỡ” của Nhà nước cần có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp du lịch. Thế nhưng, ở đâu đó vẫn có tư tưởng trông chờ, thiếu sự kết nối khiến các sản phẩm du lịch nông nghiệp còn nhỏ lẻ, khó cạnh tranh. Trên cơ sở nhận diện những thách thức vừa qua, hai Bộ trưởng thống nhất “cần có cái bắt tay chặt hơn nữa giữa hai Bộ để tập trung tháo gỡ vấn đề, nhất là những vấn đề ở tầm vĩ mô để cùng thúc đẩy sự phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn”.

Đây cũng chính là định hướng chung của ngành du lịch để phát triển bền vững, với sự tham gia của các ngành, lĩnh vực. Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy, ngành du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng tăng cường kết nối vùng miền; chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng… Từ góc độ đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết các hiệp hội, doanh nghiệp sẽ tăng cường liên kết giữa các thành viên, đặc biệt trong công tác xúc tiến quảng bá; tăng cường hợp tác trao đổi khách du lịch cũng như hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng, liên tuyến giữa các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến./.

Cùng chuyên mục
Tăng cường nguồn lực, tiếp đà phục hồi du lịch