Tăng cường phối hợp, đổi mới cách làm để nâng cao hiệu quả của y tế trường học

(BKTO) - Ưu tiên đầu tư cho y tế cơ sở, kết hợp làm y tế trường học (YTTH); đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động YTTH để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho học sinh...là những nội dung được thảo luận tại Hội thảo trực tuyến góp ý Dự thảo đề án đổi mới công tác YTTH gắn với y tế cơ sở do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức theo hình thức trực tuyến chiều 31/8.



Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đại diện các đơn vị đến từ Bộ Y tế, Bộ Tài chính, một số Sở Y tế, Sở GD&ĐT và chuyên gia, tổ chức liên quan.

Những rào cản đối với y tế trường học

Thông tin tại Hội thảo, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, ngày 31/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Theo đó, Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án về công tác y tế trường học (gọi chung là Đề án).

Thực hiện nhiệm vụ được giao, đến nay Bộ GD&ĐT đã triển khai xây dựng Đề án và đã tiến hành lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong xã hội.
                
   

Công tác YTTH đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Ảnh: Linh Linh

   

Hiện nay, công tác YTTH được thực hiện theo cơ chế phối hợp giữa hai ngành Giáo dục và ngành Y tế. Theo Bộ GD&ĐT, qua tổng kết triển khai công tác YTTH trong 10 năm qua cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác YTTH gặp nhiều khó khăn, trong đó, nhiều cán bộ làm công tác YTTH còn kiêm nhiệm, phòng y tế tại nhiều trường học chưa được đầu tư, cơ sở vật chất chưa bảo đảm theo quy định; kinh phí để thực hiện hoạt động YTTH rất hạn hẹp. Đặc biệt, quan hệ phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục các địa phương nhiều lúc còn chưa kịp thời, chủ động...

Tại Hội thảo, đại diện ngành Y tế một số địa phương cho biết đã dành sự quan tâm nhất định đến công tác YTTH. Trong đó có bố trí cán bộ phối hợp theo dõi, quản lý và triển khai các hoạt động liên quan đến công tác này; hệ thống y tế cơ sở sẵn sàng tham gia hỗ trợ công tác YTTH...

Trong khi đó, đại diện một số Sở GD&ĐT nêu ý kiến: Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhân viên YTTH không đồng đều, còn nhiều hạn chế, giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của công tác YTTH. Việc hợp đồng với trạm y tế xã, phường tại nhiều cơ sở giáo dục không thuận lợi, nhất là tại các địa bàn khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn do trạm y tế đóng ở địa bàn xa, đi lại khó khăn; khi xảy ra tai nạn, ốm đau, việc cấp cứu, chăm sóc ban đầu gặp khó khăn.

         
Cả nước hiện có 40.493 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; tuy nhiên, tổng số nhân viên YTTH chỉ chiếm 74,9%, trong đó biên chế là 53,7%, hợp đồng là 21,2%. Số cơ sở chưa có nhân viên YTTH là 25,1%, chủ yếu ở cấp học mầm non. Tỉ lệ trường có phòng y tế mới đạt hơn 50%.
Đổi mới công tác y tế trường học

Trước những bất cập nêu trên, đặc biệt là quan hệ phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục, ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, đơn vị thường trực của Ban soạn thảo (Bộ GD&ĐT) cho biết, Dự thảo Đề án đã được xây dựng theo hướng tăng cường phối hợp về công tác YTTH liên ngành gắn với cơ sở, trong đó đảm bảo hơn vai trò của YTTH.

Bên cạnh đó, để đảm bảo năng lực của nhân viên YTTH, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế xây dựng chương trình, tài liệu phù hợp để bồi dưỡng cho nhân viên làm công tác y tế tại cơ sở, trường học. “Mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025, tất cả các cán bộ phụ trách YTTH, đều cần phải đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ do ngành Giáo dục và ngành Y tế phối hợp triển khai” - ông Huy cho biết.

Ông Nguyễn Quang Tấn – đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nếu kết hợp với y tế cơ sở sẽ tận dụng được nhiều cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn của đội ngũ y tế cơ sở. Đây là đội ngũ thường xuyên được cập nhật kiến thức, thực hành về chuyên môn.

“Bên cạnh đó, cần đưa ra một vài mô hình để báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương tự quyết định lựa chọn mô hình nào cho phù hợp...” - ông Tấn góp ý.

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, việc đổi mới công tác YTTH rất cần thiết để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Thực tế, do nhân lực hạn chế, việc phụ trách YTTH tại các trường đang gặp khó khăn. Đặc biệt, những địa bàn vùng sâu, vùng xa nếu xảy ra tai nạn thương tích, cán bộ y tế không thể kịp thời có mặt. Hoặc 2 cơ sở giáo dục cùng lúc xảy ra tai nạn, sẽ không thể phân bổ được nhân lực.

Đồng tình với hướng tiếp cận trong Đề án, các đại biểu cũng cho rằng, dù áp dụng theo cách thức nào, thì mục tiêu cuối cùng là hướng đến việc chăm sóc tốt hơn cho học sinh. Muốn làm được điều đó, thì nhân viên y tế phải đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo các trang, thiết bị cần thiết để phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh - Trưởng Ban soạn thảo cho biết, Thường trực Ban Soạn thảo của Bộ GD&ĐT sẽ nghiêm túc, tiếp thu ý kiến góp ý. Thứ trưởng cũng lưu ý, các đề xuất, kiến nghị trong Đề án phải đảm bảo tính khả thi, làm rõ trách nhiệm của trường học và các cơ sở y tế liên quan.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Tăng cường phối hợp, đổi mới cách làm để nâng cao hiệu quả của y tế trường học