Tăng cường phối hợp thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành Công Thương

(BKTO) - Chiều 15/3, Bộ Công Thương và Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm KHCN) đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023-2026, định hướng đến năm 2030.

ct.jpg
Lãnh đạo Bộ Công Thương và Viện Hàn lâm KHCN tại lễ ký kết. Ảnh: BCT

Việc ký kết Chương trình phối hợp nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN phục vụ phát triển ngành Công Thương trong giai đoạn mới, phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng KHCN trong việc hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương ứng dụng nhanh chóng các công nghệ mới, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh doanh nghiệp.

Theo ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2015-2020, Viện Hàn lâm KHCN đã đăng ký chủ trì thực hiện nhiều nhiệm vụ KHCN; tham gia nhiều Chương trình, Đề án KHCN do Bộ Công Thương quản lý, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghiệp môi trường…

Thông qua đó, nhiều công nghệ đã được nghiên cứu phát triển, hoàn thiện và ứng dụng vào thực tiễn, giúp cải thiện quá trình sản xuất của doanh nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đáng chú ý như công nghệ sản xuất omega 6, 7, 9 từ vi khuẩn tía quang hợp ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm; công nghệ tạo chế phẩm sinh học tái tổ hợp sinh tổng hợp bioplastic từ phụ phẩm chế biến thủy sản; công nghệ tạo chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa trong cây gỗ làm nguyên liệu sản xuất bột giấy thân thiện môi trường; các công nghệ chế biến sâu khoáng chất và một số khoáng sản kim loại từ nguyên liệu trong nước…

Dựa trên nội dung Chương trình ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong giai đoạn 2023-2026, Bộ Công Thương và Viện Hàn lâm KHCN sẽ tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các quan điểm đường lối, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đặ biệt chú trọng đến KHCN, đổi mới sáng tạo; khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình, nội dung, giải pháp phối hợp khả thi trong từng năm, từng giai đoạn; phối hợp, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm để có cơ sở kiểm điểm đánh giá rút kinh nghiệm.

Từ nay đến trước năm 2025, bên cạnh việc tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp KHCN hiện có, hai bên cần tích cực nghiên cứu đề xuất những chính sách, giải pháp KHCN có tính đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Đồng thời đề xuất được các nội hàm chính sách lớn cần thể hiện trong Luật Phát triển công nghiệp và các cơ chế, chính sách, giải pháp KHCN đột phá, đủ mạnh, khả thi để phát triển các ngành công nghiệp nền tảng.

Từ năm 2025, hai bên tập trung nghiên cứu, đề xuất chiến lược phát triển công nghiệp, thương mại, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp có thu nhập trung bình cao.

Cùng chuyên mục
Tăng cường phối hợp thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành Công Thương