Tăng thuế rượu, bia: Cân nhắc lộ trình phù hợp để nuôi dưỡng nguồn thu

(BKTO) - Khẳng định việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu, bia là cần thiết song nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng thuế không nên chỉ nhằm đến một mục tiêu là hạn chế tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe, mà còn phải để doanh nghiệp duy trì hoạt động một cách hợp lý, nuôi dưỡng nguồn thu.

anh-t35-2.png
Nhiều ý kiến đề nghị đánh giá toàn diện tác động của việc tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia. Ảnh minh họa: vneconomy.vn

24 ngành sẽ bị ảnh hưởng từ việc tăng thuế

Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây và thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2025. Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật thu hút sự quan tâm của dư luận, đó là Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia liên tục từ năm 2026 và đến năm 2030 sẽ chịu thuế suất lên tới 100%.

Cụ thể, Dự thảo Luật đề xuất hai phương án đánh thuế với mặt này. Cơ quan soạn thảo đang nghiêng về phương án 2. Đó là, với rượu từ 20 độ trở lên sẽ áp thuế 80% vào năm 2026, tăng dần lên qua các năm và lên 100% vào năm 2030; rượu dưới 20 độ chịu thuế 50%, sau đó tăng lên cao nhất 70%; thuế suất đối với bia cũng tăng dần, từ 80% lên 100%.

Bình luận về vấn đề này tại Tọa đàm “Chính sách thuế hướng tới khoan sức doanh nghiệp” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, mục tiêu của thuế TTĐB là điều tiết hành vi tiêu dùng, trên cơ sở đó mới điều tiết sản xuất hướng tới bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường; mục tiêu cuối cùng mới là thu ngân sách.

Xét theo mục tiêu đó, việc tăng TTĐB với rượu, bia là cần thiết, nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng đối với sản phẩm không có lợi cho sức khỏe nếu lạm dụng.

Tuy nhiên, theo bà Thảo, bất kỳ chính sách nào khi được ban hành cần được đánh giá toàn diện trên nhiều khía cạnh. “Với Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) lần này, việc đánh giá tác động còn khá sơ sài, chưa nêu rõ được tác động thực sự của quy định đưa ra” - bà Thảo nhìn nhận.

Minh chứng cho nhận định trên, bà Thảo dẫn kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, việc tăng thuế này có thể tác động gián tiếp tới 24 ngành hàng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, Cơ quan soạn thảo chưa đưa ra được đánh giá tác động của việc tăng thuế tới các ngành kinh tế khác, bao gồm cả dịch vụ lưu trú, ăn uống… Do đó, bà Thảo đề nghị cần có đánh giá toàn diện việc tăng thuế này.

“Việc đánh giá tác động toàn diện để đưa ra chính sách hợp lý còn nhằm củng cố tâm lý, niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của Việt Nam” - TS. Nguyễn Minh Thảo nói.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, nhìn tổng thể, việc tăng thuế TTĐB với rượu, bia là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và theo xu hướng chung. Việc đánh thuế theo phương pháp thuế tương đối cũng phù hợp với bối cảnh của Việt Nam trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, Cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tác động toàn diện, chứ không chỉ nhằm vào việc tăng giá, giảm tiêu dùng, dẫn đến giảm sản xuất, thậm chí ngừng sản xuất và kéo theo vấn đề việc làm, các ngành hàng liên quan cũng bị ảnh hưởng.

img_8920.jpg

Cần thống nhất quan điểm rằng đánh thuế để hạn chế tiêu dùng dẫn đến hạn chế sản xuất, chứ không phải là dừng và đóng cửa sản xuất. Sản xuất có thể bị thu hẹp, song phải ở phạm vi vẫn có thể tăng trưởng chứ không phải là bị dừng hoàn toàn, bị đào thải. 

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia, rượu và nước giải khát Việt Nam (VBA) lo ngại, việc tăng thuế này có thể làm gia tăng khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành, vốn đã phải vật lộn qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

“Hiện, nhiền doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn đã phải cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô, thay đổi cấu trúc để thích ứng với điều kiện hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc đánh thuế lên tới 100% đến năm 2030 là một mức thuế suất rất lớn, doanh nghiệp rất bất ngờ và chưa đánh giá hết tác động của đề xuất này” - bà Vân Anh chia sẻ và mong muốn Cơ quan soạn thảo, cùng với hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia, tổ chức như CIEM có nghiên cứu để đánh giá tác động định lượng khi điều chỉnh tăng thuế, không chỉ với đối tượng trực tiếp mà cả các đối tượng gián tiếp.

Cân nhắc giãn lộ trình tăng thuế từ năm 2027

Liên quan đến lộ trình tăng thuế, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, sản phẩm bia và rượu khác nhau nên kịch bản đánh thuế cần khác nhau. Theo đó, Cơ quan soạn thảo nên cân nhắc lộ trình đánh thuế theo hướng kéo giãn hơn so với đề xuất như Dự thảo Luật. Đó là nên bắt đầu từ sau năm 2026, để doanh nghiệp có thời gian thay đổi, cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, thích ứng với chính sách thuế mới.

Về mức thuế cũng cần tính toán. Theo ông Hiếu, đối với ngành bia, tính hiệu quả của việc tăng thuế là khó rõ ràng, vì khi bia tăng giá, những người uống bia ít có khả năng chuyển sang uống rượu. Do đó, bia tăng giá có thể khiến họ uống ít hơn.

Ông Hiếu đề nghị, với thị trường bia, chỉ nên cân nhắc lộ trình tăng thuế (từ năm 2027) và mức tăng không quá đột ngột dẫn đến người ta ngừng uống. Bởi nếu doanh nghiệp ngừng bán bia sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, công ăn việc làm. Riêng với bia 0 độ, không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tương tự, với thị trường rượu, cũng cần cân nhắc giãn lộ trình bắt đầu tăng thuế từ 2027, thay vì từ 2026.

Về mức độ đánh thuế, ông Phan Đức Hiếu đề nghị cần cân nhắc hai vấn đề.

Một là, nếu mức thuế tăng quá cao khiến chi phí tăng quá lớn, người uống rượu sẽ tìm sang sản phẩm rượu thủ công, trong khi quản lý sản phẩm này còn hạn chế, khó bảo đảm yêu cầu chất lượng. Như vậy, hiệu quả của chính sách thuế là giảm uống rượu sẽ không đạt được, thậm chí còn khiến rượu chính thức gặp bất lợi hơn so với rượu thủ công, rượu phi chính thức.

Hai là, Cơ quan soạn thảo cần làm rõ vì sao phân chia rượu trên 20 độ và dưới 20 độ để áp thuế khác nhau. “Khi một chính sách đưa ra không nên tạo thuận lợi cho nhóm đối tượng này hơn nhóm đối tượng khác. Vì thế, việc phân định độ cồn trong rượu cần tính toán kỹ để bảo đảm sự công bằng” - ông Phan Đức Hiếu đề nghị.

Ủng hộ đề xuất áp dụng lộ trình tăng thuế TTĐB với đồ uống có cồn từ năm 2027, TS. Nguyễn Minh Thảo bổ sung, việc tăng thuế này không nên tăng hàng năm sẽ khó cho doanh nghiệp trong việc dự tính cũng như thích ứng hiệu quả. Có thể xem xét tăng thuế từ năm 2027, sau đó đến năm 2029 tăng tiếp.

img_8914.jpg

Để bảo đảm thị trường công bằng, minh bạch, các cơ quan liên quan cần ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn với mặt hàng đó, mới tránh được hàng giả, kém chất lượng. Chỉ khi xây dựng được quy chuẩn, tiêu chuẩn và áp dụng thống nhất mới tạo ra động lực cạnh tranh công bằng.

TS. Nguyễn Minh Thảo -  Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM)

Trong khi đó, bà Chu Thị Vân Anh đề xuất lộ trình tăng thuế áp dụng từ năm 2027, và tăng ở mức tối đa là 80% đến năm 2030, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau giai đoạn khó khăn.

Để có cơ sở khoa học cho việc tăng thuế lần này, các ý kiến cũng kiến nghị, ngành hàng cùng các bên liên quan cần đánh giá xem sức chống chịu của doanh nghiệp ở mức độ nào sẽ bị thu hẹp sản xuất nhưng vẫn tạo việc làm và tăng trưởng cho nền kinh tế; ở mức độ nào doanh nghiệp sẽ quá sức chịu đựng, có thể ngừng hoạt động và phá sản; từ đó làm cơ sở tính toán mức tăng cũng như lộ trình tăng cho phù hợp.

Bên cạnh đó, cần có thêm các biện pháp bổ sung, trong đó tăng cường tuyên truyền là giải pháp đặc biệt quan trọng, để người tiêu dùng hiểu rõ tác hại của rượu, bia nếu lạm dụng, qua đó sẽ tự điều tiết hành vi tiêu dùng nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Cùng chuyên mục
  • Góp “điểm sáng” về xuất khẩu sữa, Vinamilk cho thấy nội lực của thương hiệu Việt
    12 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Không chỉ đóng góp tích cực cho hiệu quả kinh doanh, mảng kinh doanh quốc tế của Vinamilk cũng đang đưa niềm tự hào “thương hiệu Việt” ra thế giới. Liên tiếp gia tăng thị trường xuất khẩu, sản phẩm xuất hiện ngày càng đa dạng, sở hữu nhiều tiêu chuẩn cao của thế giới, Vinamilk đang khẳng định sữa “made in Vietnam” hoàn toàn có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
  • LNG từ Nam ra Bắc, nối tiếp Hành trình năng lượng XANH của PV GAS
    12 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tháng 9/2024, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đánh dấu một cột mốc lịch sử mới: chuyến LNG đầu tiên được vận chuyển từ Nam ra Bắc bằng phương tiện tàu hỏa, mang theo nguồn năng lượng xanh trên hành trình xuyên Việt.
  • Phân bón Cà Mau công bố báo cáo phát triển bền vững năm 2023
    12 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Công ty Cổ phần Phân Bón Dầu khí Cà Mau (Phân Bón Cà Mau, HOSE: DCM) chính thức công bố báo cáo phát triển bền vững (PTBV) năm 2023 với chủ đề “Kiến tạo giá trị, bền vững hơn, thịnh vượng hơn”, khẳng định cam kết mạnh mẽ của công ty trong việc phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
  • Tháng 9/2024 PV GAS sẵn sàng cấp LNG cho khách hàng công nghiệp tại miền Bắc
    12 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Theo xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu, thị trường năng lượng Việt Nam cũng không ngừng thay đổi để phát triển. Thích ứng với xu thế đó, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đang thực hiện những bước đi chiến lược nhằm dịch chuyển sang mô hình kinh doanh năng lượng tích hợp, đa dạng hóa các sản phẩm khí đường ống, LPG, CNG và LNG.
  • VINAMILK: Xuất khẩu tăng ấn tượng gần 40%, trợ lực nào cho nửa cuối năm?
    12 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Doanh thu thuần xuất khẩu Quý II/2024 của Vinamilk ghi nhận 1.740 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng 5,9% trong Quý I/2024. Liên tục cải tiến sản phẩm và duy trì quan hệ chặt chẽ với đối tác tại các thị trường được cho sẽ tiếp tục là cơ sở tăng trưởng về xuất khẩu của Vinamilk 6 tháng cuối năm.
Tăng thuế rượu, bia: Cân nhắc lộ trình phù hợp để nuôi dưỡng nguồn thu