Tăng trưởng xanh: Thời cơ và thách thức

(BKTO) - Tăng trưởng xanh đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó, các DN được coi là chủ thể quan trọng nhất, đóng vai trò tích cực trong việc lựa chọn tăng trưởng xanh và hiện thực hóa mục tiêu bền vững của quốc gia.



Con đường phát triển đúng đắn

Trong thời gian qua, cụm từ phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Để đảm bảo cho phát triển bền vững, nhiều phương thức tăng trưởng đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững đã xuất hiện, trong đó có khái niệm tăng trưởng xanh. Trên thế giới, nhiều nước công nghiệp phát triển đã đi đầu trong việc phát triển nền kinh tế xanh, như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Theo PGS TS. Bùi Tất Thắng - Viện Chiến lược phát triển - ở khía cạnh kinh tế - kỹ thuật, có thể hiểu một cách đơn giản tăng trưởng xanh là quá trình tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa trên những ngành sản xuất và công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học…

Một cách khái quát hơn, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) định nghĩa rằng, tăng trưởng xanh được hiểu là “đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn đảm bảo rằng tự nhiên vẫn có đủ năng lực cung cấp các nguồn lực sản xuất và vẫn duy trì môi trường sống”.

Với Việt Nam, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, dù có thành tựu nhưng tăng trưởng kinh tế nước ta còn dựa chủ yếu vào các yếu tố theo chiều rộng là chính, thiếu bền vững, chủ yếu khai thác, xuất khẩu tài nguyên thô. Trong bối cảnh đó, vấn đề tăng trưởng xanh đang nổi lên như một phương thức tăng trưởng mới, bảo đảm được mục tiêu bảo vệ môi trường sống và phát triển bền vững.

Nhận định về tầm quan trọng của tăng trưởng xanh đối với Việt Nam, PGS.TS. Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - nhấn mạnh: Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay là một yêu cầu cấp bách đối với phát triển kinh tế của Việt Nam, nếu như không muốn bị tụt hậu so với các nước trên thế giới và khu vực. Đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu, tăng nhiều đóng góp của các yếu tố tổng hợp trong GDP là những yêu cầu sống còn của nền kinh tế, đặc biệt tăng yếu tố công nghệ xanh, tạo động lực phát triển mới.

Phân tích rõ hơn, PGS.TS. Lê Quốc Lý cho rằng, thực tế, tăng trưởng xanh là một bộ phận của phát triển bền vững tập trung vào môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu khí thải nhà kính trên cơ sở công nghệ xanh và tạo ra động lực phát triển mới. Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là con đường phát triển đúng đắn không chỉ trong trước mắt mà còn là trong lâu dài...

Thách thức và thời cơ cho các DN

Nếu tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, thì DN được coi là chủ thể quan trọng nhất trong xu thế này bởi DN đóng vai trò tích cực trong việc lựa chọn tăng trưởng xanh và hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt vấn đề tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sẽ giúp các DN phát triển bền vững, thông qua các hoạt động, như: tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát ô nhiễm; tái chế chất thải; tiết kiệm tài nguyên…

Tuy nhiên, các DN Việt Nam lại đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện trách nhiệm xã hội về bảo vệ môi trường, lựa chọn công nghệ xanh, chuyển hướng sang sản xuất xanh..., cũng như tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua các chính sách, tuy nhiên nhìn chung vẫn còn một khoảng cách lớn để chính sách đi vào đời sống và được chuyển biến ở một tầm mới; cam kết của DN và cộng đồng đối với các hoạt động thúc đẩy xanh hóa sản xuất và lối sống còn rất hạn chế.

Theo TS. Hoàng Ngọc Hải - Khoa Kinh tế, Học viện Chính trị khu vực I - tăng trưởng xanh đã được nhiều địa phương quan tâm, nhiều DN ứng dụng nhưng tầm quan trọng vẫn chưa được thực sự đề cao so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, phần lớn người dân và DN chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh. Đây được coi là điểm yếu của DN Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Bên cạnh đó, nhu cầu tài chính để triển khai thực hiện các hoạt động về tăng trưởng xanh trong bối cảnh nguồn NSNN hạn hẹp và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế giảm dần cũng đang là một thách thức lớn.

Hiện nay, Việt Nam với hơn 95% DN là nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, công nghệ của DN về cơ bản vẫn đang ở giai đoạn áp dụng, chưa đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng: Đây có thể xem là một cơ hội cho các tổ chức tài chính và DN Việt Nam khi thúc đẩy phát triển tài chính xanh sẽ đem lại nhiều lợi ích bền vững cho chính các định chế tài chính, cho các DN được vay vốn và cho cả cộng đồng.

“Mặc dù có thách thức về đầu tư ban đầu, nhưng những DN áp dụng công nghệ xanh sẽ có cơ hội lớn trong thu hút vốn từ các nhà đầu tư, gia tăng lượng khách hàng và từ đó làm gia tăng giá trị của DN” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

HOÀNG LONG
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15/11/2017
Cùng chuyên mục
  • Sau năm cao điểm 2018, sẽ kiểm toán toàn diện các công ty nông lâm nghiệp
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO)- “Sau năm cao điểm thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp, sang năm 2019, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn diện hoạt động của các công ty để biết ai làm tốt, vướng mắc gì, trách nhiệm ở đâu để báo cáo Quốc hội”, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
  • Tăng cường kiểm toán để nâng cao hiệu quả chi tiêu công
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Để nâng cao hiệu quả chi tiêu công, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó có việc tăng cường công tác kiểm toán của KTNN đối với các cấp chính quyền cũng như các đơn vị sử dụng ngân sách và kiểm toán độc lập đối với các dự án đầu tư công trọng điểm. Đó là một trong những khuyến nghị mà các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại Hội nghị công bố Báo cáo “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng” do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 03/10.
  • Triển vọng tăng trưởng GDP đạt 6,7%
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Những thông tin tích cực về triển vọng tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 2017 vừa được lãnh đạo Tổng cục Thống kê phân tích và công bố tại cuộc họp báo quý III/2017. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 được nhận định là khả quan.
  • Hướng tới việc khai thác bền vững tài nguyên khoáng sản
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Kể từ khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, hoạt động khai khoáng đã đi vào nề nếp. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tích cực, chính sách, pháp luật về khoáng sản cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải sửa đổi cho phù hợp.
  • Tăng cường hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Cho ý kiến về các báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017 của Chính phủ, tại phiên họp ngày 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực song tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu, công tác xử lý, thu hồi sau thanh tra còn hạn chế...
Tăng trưởng xanh: Thời cơ và thách thức