Tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác thi đua, khen thưởng

(BKTO) - Sáng 17/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Việc khắc phục tính hình thức trong thi đua, khen thưởng, đảm bảo công khai, minh bạch là vấn đề được các thành viên UBTVQH đặt ra khi sửa đổi Luật này.



Bổ sung danh hiệu thi đua “xã tiêu biểu”, “phường, thị trấn tiêu biểu”

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mục tiêu sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng phù hợp yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng về nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua; phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng; khen thưởng công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để đơn giản hóa thủ tục hành chính đảm bảo kịp thời, minh bạch, công khai, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật.                
   

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại phiên họp -Ảnh: quochoi.vn

   
Theo đó, dự án Luật gồm 100 điều (giảm 3 điều so với Luật hiện hành) và giữ nguyên bố cục gồm 8 chương như Luật hiện hành; sửa đổi, điều chỉnh 79 điều với 4 nhóm nội dung lớn phù hợp với 4 nhóm chính sách nêu trong đề nghị xây dựng luật.

Trong đó, một số nội dung đáng chú ý của Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) là sửa đổi, bổ sung về danh hiệu thi đua “xã tiêu biểu”, “phường, thị trấn tiêu biểu”, thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu thuộc Chủ tịch UBND cấp huyện; đổi tên danh hiệu thi đua “gia đình văn hóa”, “thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa” thành “gia đình tiêu biểu”, “thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”.

Dự thảo Luật đã bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để khen thưởng cho lực lượng thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dự án Luật cũng bổ sung quy định đối tượng khen thưởng là cá nhân người nước ngoài đối với Huân chương Hồ Chí Minh; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài đối với Huân chương Độc lập các hạng, Huân chương Lao động các hạng.

Đồng thời, bổ sung hình thức “truy tặng” đối với danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” để phù hợp với Luật di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc về quản lý tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân và DN, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện để thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng cũng như quản lý nhà nước đối với việc tổ chức các giải thưởng tôn vinh DN, doanh nhân.

Ngoài ra, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng chưa đủ điều kiện để bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào dự án Luật. Thường trực Ủy ban Xã hội kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, thực hiện việc khen thưởng tổng kết kháng chiến, khen thưởng xây dựng bảo vệ Tổ quốc cho Thanh niên xung phong có công lao, thành tích, cống hiến cũng như thực hiện chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật thi đua, khen thưởng, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm không đối tượng nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn bị bỏ sót.

Khắc phục bệnh hình thức trong thi đua, khen thưởng

Cho ý kiến tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng nhằm khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng.                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

   
Nhấn mạnh đây là một trong những sản phẩm đầu tay của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan trình và cơ quan thẩm tra phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng thêm. Để khắc phục được những tồn tại hạn chế, sau khi Luật ban hành sẽ tạo được những bước chuyển căn bản, rõ rệt trong công tác thi đua yêu nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc khen thưởng phải hướng nhiều hơn đến cơ sở, chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh, quan tâm khen thưởng vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải khắc phục cho được bệnh hình thức và bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng; khắc phục chuyện “chạy danh hiệu thi đua” “chạy khen thưởng”. Bên cạnh đó, việc sửa Luật cần phải làm sao để khắc phục được tình trạng khen thưởng kiểu "gối đầu" khi hiện nay có tình trạng tích lũy để khen; tổ chức định hướng thành tích cá nhân, thậm chí là nhường nhịn nhau trong khen thưởng…

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến trong UBTVQH đề cập đến công tác thi đua, khen thưởng cho đại biểu dân cử. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần bổ sung quy định rõ thẩm quyền và hình thức khen thưởng đối với đại biểu dân cử, trong đó có đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân chuyên trách.                
   

Quang cảnh phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

   

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các cơ quan của Quốc hội và UBTVQH hiện đang đứng ngoài các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng. Đây là một trong vướng mắc nhiều năm qua. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định điều chỉnh nội dung này; đồng thời làm rõ vai trò của UBTVQH trong việc tổ chức phong trào thi đua, quyết định các vấn đề về khen thưởng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị nghiên cứu để có hình thức đặc thù khen thưởng cho đại biểu dân cử, trong đó có đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và hình thức khen thưởng phù hợp theo nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, cũng có hình thức khen thưởng đột xuất gắn với kết quả hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu thấu đáo các ý kiến UBTVQH, tiếp tục đánh giá đầy đủ những vấn đề còn vướng mắc, nội dung nào chưa phù hợp để có định hướng sửa đổi cho trúng, cho đúng và toàn diện hơn; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để nghiên cứu, cho ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội./.
Đ. KHOA




Cùng chuyên mục
Tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác thi đua, khen thưởng