Tạo đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai

(BKTO) - Tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề Nghị quyết số 18-NQ/TW và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 30/8, bên cạnh những lưu ý, yêu cầu khi sửa đổi Luật Đất đai, các đại biểu cũng tập trung trao đổi về giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, bảo đảm tiết kiệm, bền vững; việc tạo cơ sở nền tảng để quản lý tốt nguồn lực đất đai…



                
   

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: N.LỘC

   

Thay đổi tư duy quản lý đối với đất đai

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song thực tế còn nhiều tồn tại, bất cập. Trong đó, công tác quản lý và sử dụng đất vẫn chưa theo kịp tiến trình phát triển; năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu. Đồng thời, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa được hoàn thiện; tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; đơn, thư tố cáo về đất đai có xu hướng tăng; nhiều vụ việc chậm được xử lý, giải quyết, gây bức xúc xã hội. Nhiều vấn đề phát sinh như khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo (trên 60%)…

Trước tình hình đó, ngày 16/6/2022, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Hội thảo tổ chức nhằm thảo luận và đóng góp ý kiến nhằm thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013.

Tại Hội thảo, GS,TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này có nhiều quy định mới rất quan trọng và đã được định hướng rõ trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó có việc hoàn thiện thể chế về đất đai. “Thay vì nặng về quản lý hành chính, sẽ chuyển sang cơ chế quản lý dựa trên yếu tố thị trường” và ông cho rằng, đây thực sự là cuộc cách mạng về sửa đổi quy định quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai.

Nhấn mạnh đến yếu tố thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa trong quản lý đất đai, GS,TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, cần lập bảng giá đất phù hợp với giá trị thị trường của đất đai và cần được cập nhật hằng năm; phải có quy định về việc đăng ký và cập nhật giá đất hằng năm, quy định quyền ưu tiên mua của Nhà nước đối với đất chuyển nhượng giá thấp. “Điều này là cần thiết và phù hợp với định hướng được xác định trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, đó là bỏ khung giá đất” - GS,TS. Cường nhấn mạnh.

Theo ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm hướng đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, bảo đảm tiết kiệm, bền vững, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội… Trong đó, tập trung vào các nội dung hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, thay đổi tư duy quản lý, chuyển từ quản lý hành chính sang cơ chế thị trường, từ đó giúp xóa bỏ cơ chế xin cho là những điểm mới nổi bật và được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá trong công tác quản lý đất đai sắp tới.
         
Về vấn đề chống đầu cơ và điều tiết giá trị gia tăng từ đất, GS,TS Hoàng Văn Cường đề xuất, đối với đất riêng lẻ cần đánh thuế lũy tiến trên phần diện tích hoặc giá trị đất chiếm giữ vượt trên mức bình quân chung; sửa đổi quy định về kế hoạch sử dụng đất để thu hồi đất vùng phụ cận các dự án đầu tư cải tạo chỉnh trang đô thị, các dự án phát triển kinh tế làm gia tăng giá trị đất liền kề...

Sớm xây dựng cơ sở dữ liệu số về đất đai

Theo các chuyên gia, những vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai hiện nay có sự liên hệ nhất định đối với dữ liệu về đất đai, trong bối cảnh vấn đề này còn nhiều bất cập. Khi xây dựng cơ sở dữ liệu số về đất đai sẽ giúp giải quyết rất nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến đất đai hiện nay.

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, thời gian qua, đã có nhiều nguồn lực đầu tư cho xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai ở nước ta; bước đầu hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai được hình thành. Mặt khác, ở những địa phương đã được “số hóa” dữ liệu đất đai, địa phương mới chỉ chú trọng vào cơ sở dữ liệu địa chính, các cơ sở dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất… là các thành phần cấu thành cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh chưa được đầu tư.

Đến nay, đối với cơ sở dữ liệu đất đai Trung ương, Tổng cục đã xây dựng hoàn thành 4 khối dữ liệu và bàn giao cho Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường để chuẩn bị vận hành và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, gồm: Dữ liệu Thống kê, kiểm kê đất đai; Dữ liệu Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Dữ liệu Giá đất; Dữ liệu Điều tra cơ bản về đất đai. Đồng thời, đã hoàn thành và trình Bộ trưởng ban hành Quyết định quy định về nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin của cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

Tuy nhiên, ông Đào Trung Chính cũng thừa nhận, việc đảm bảo đầy đủ, liên thông dữ liệu về quản lý đất đai hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu về quản lý, xa hơn là đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, do đó, “việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cũng sẽ xem xét kỹ từng nội dung và xác định xây dựng dữ liệu về đất đai là nội dung rất quan trọng” – ông Chính nói.
                
   

GS,TSKH. Đặng Hùng Võ thông tin bên lề hội thảo. Ảnh: N.LỘC

   

Dẫn chứng cho điều này, GS,TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đơn cử như quản lý đất lâm trường, hiện việc đo đạc, rà soát, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai còn dai dẳng; diện tích đất bàn giao về địa phương mới được thực hiện khoảng 50% so với theo phương án được duyệt...

Từ kinh nghiệm quốc tế, cùng như trực tiếp tham gia với cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam trong sửa đổi Luật Đất đai, TS. Kathrine Kelm – chuyên gia cấp cao về quản lý đất đai, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, hiện nay, với sự bùng nổ mạnh mẽ của khoa học công nghệ, việc quản lý dữ liệu về đất đai cũng đang được nhiều quốc gia áp dụng triệt để.

Đánh giá cao những nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương tại Việt Nam trong việc chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu về đất đai, song TS. Kathrine Kelm cho rằng, những dấu ấn này cần được thể hiện đậm nét hơn nữa trong dự thảo Luật đang được sửa đổi. “Trong bối cảnh quản lý nhà nước về đất đai trong thời gian tới sẽ có những bước chuyển rất quan trọng như bỏ khung giá đất, hướng tới giá trị của đất đai, thì việc áp dụng công nghệ, dữ liệu số với quản lý đất đai là yêu cầu bức thiết” - TS. Kathrine Kelm nhấn mạnh.

Theo GS,TS. Hoàng Văn Cường, khi đã áp dụng được dữ liệu số vào quản lý đất đai, những vấn đề đặt ra và gặp vướng trong quản lý đất đai hiện nay sẽ được tháo gỡ. “Đơn cử như việc bán nhà đất hai giá, hay biến động về giá trị đất, khi đưa thông tin giá và thuế đất vào cơ sở dữ liệu đất đai, cơ quan quản lý có thể cập nhật hằng năm cho từng thửa đất” - GS,TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • Vượt khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong điều kiện kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) các tỉnh, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác phát triển người tham gia cũng như công tác thu, đôn đốc thu hồi nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)… Hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ về BHXH, BHYT, BHTN của các địa phương đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
  • Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.208,2 nghìn tỷ đồng
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 8/2022 ước đạt 106 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.208,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
  • Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt hơn 66 tỷ USD
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, trong 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) ước đạt khoảng 66,2 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước khoảng 36,3 tỷ USD, tăng 13,1%.
  • Cần nâng cao chất lượng giải quyết quyền lợi bảo hiểm
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 (Dự thảo). Góp ý cho Dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cơ quan soạn thảo cần xem xét, cân nhắc bổ sung thêm một số chỉ tiêu về chất lượng giải quyết quyền lợi bảo hiểm, để nâng cao chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm.
  • Công bố số điện thoại đường dây nóng đảm bảo an toàn giao thông dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia vừa công bố các số điện thoại đường dây nóng về hoạt động vận tải và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2022.
Tạo đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai