Tạo giá trị gia tăng từ quy hoạch…

Nhấn mạnh việc đổi mới mạnh mẽ tư duy quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn cần rà soát, làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, tránh chồng chéo trong quy hoạch, đặc biệt là hướng đến quy hoạch bền vững, tạo ra giá trị gia tăng từ quy hoạch…

202406281040338714_z5581434879761_5e652f09b83fe05e3d30e58c85550f2d.jpg
Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Ảnh: VPQH

Tránh chồng chéo trong quy hoạch

Theo các đại biểu Quốc hội, việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là cần thiết nhằm thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật quy hoạch; khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc hiện hành.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP.Hà Nội) nhấn mạnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hai phạm trù khác nhau nhưng lại có sự đan xen. Do đó, việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hết sức cần thiết để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, đảm bảo tính tích hợp, tính bao quát, tránh chồng chéo các quy hoạch với nhau, kết hợp hài hoà giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn.

Việc xây dựng Luật này cũng là một cơ hội nhìn lại một cách tổng thể các quy hoạch có liên quan đến đô thị và nông thôn, để có một hệ thống quy hoạch logic, mang tính tầng bậc; là tiền đề, căn cứ để thực hiện các quy hoạch cấp dưới, đồng thời cũng cụ thể hóa được các quy hoạch cấp trên.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, các quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn tuy đã có sàng lọc song vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch được điều chỉnh tại Dự án Luật này cũng như các quy hoạch điều chỉnh tại Luật Quy hoạch.

202406280943089438_z5581181250067_2d483e6d23a68b23537edf960a282517.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

“Theo Dự thảo Luật này, trên địa bàn tỉnh sẽ có quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, quy hoạch chung thị xã, quy hoạch chung huyện với cùng tỷ lệ phủ kín toàn bộ không gian của một tỉnh, nhưng sau đó lại có quy hoạch chung khu chức năng. Phải chăng quy hoạch này sẽ trùng với các quy hoạch trên? Hoặc là đã có quy hoạch phân khu đô thị, nhưng lại có quy hoạch thị trấn với cùng tỷ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch vùng huyện sẽ được phân định như thế nào để tránh chồng chéo?” - đại biểu Cường dẫn chứng và đề nghị Dự thảo Luật phải rà soát và làm rõ vấn đề này.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn Thừa Thiên - Huế) cũng cho rằng, trong các quy định liên quan hai loại quy hoạch cũng có một số điểm chồng chéo, do đó Ban soạn thảo cần quan tâm tiếp thu, sửa đổi. Bên cạnh đó, theo đại biểu, nếu tích hợp hai loại quy hoạch này cũng có những vấn đề khó khả thi đặt ra, vì vậy, phải lập quy hoạch chung đô thị và một số nơi là quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương.

Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) và nhiều đại biểu khác thì bày tỏ băn khoăn về thời kỳ quy hoạch. Theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều phải lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh theo thời kỳ quy hoạch 10 năm. Trong khi đó, Dự thảo Luật quy định quy hoạch đô thị và nông thôn đối với các quy hoạch chung có thời hạn 20 - 25 năm, tầm nhìn của quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương là 50 năm.

“Nếu thời kỳ của các quy hoạch này không thống nhất sẽ dẫn đến khó khăn khi lập kế hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh, cấp huyện” - đại biểu Thái Thị An Chung chỉ rõ và đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để có giải pháp quy định phù hợp hơn về vấn đề này; có thể quy định thêm thời gian trong giai đoạn ngắn hạn 5 năm, 10 năm để đồng bộ với các quy hoạch khác.

Quy hoạch đô thị không phải chỉ để bán đất

Đặt vấn đề, làm thế nào để phương án quy hoạch sẽ tạo ra được một đô thị phát triển bền vững? Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, một phương án quy hoạch chỉ phát triển bền vững khi triển khai thực hiện phải tạo ra được giá trị gia tăng trong tương lai. Có như thế nhà đầu tư mới bỏ tiền vào để thực hiện phương án quy hoạch để kỳ vọng hưởng lợi giá trị gia tăng trong tương lai.

202406280910246241_z5581113348950_6e6eaf07c083457a0e1f9a0015d746d1.jpg
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

“Điều đó sẽ tạo ra sức hút cho người dân đến sinh sống, đồng thời tạo thêm các việc làm, tạo các dịch vụ tại chỗ và đó chính là cơ sở để tạo nên một khu vực ngày càng phát triển, mang tính bền vững” - đại biểu Cường nói.

Thực tế, có rất nhiều khu đô thị được quy hoạch tràn lan nhà thấp tầng, diện tích hàng trăm hecta, nhưng quy mô dân số rất nhỏ, không đủ quy mô thị trường để phát triển các dịch vụ. “Không có dịch vụ thì người dân không đến sống. Các nhà đầu tư sẽ không đầu tư dài hạn vào đấy. Như vậy, quy hoạch này chỉ giải quyết được mục tiêu trước mắt là bán đất đô thị thu tiền và sau đấy thì không phát triển được” - đại biểu thẳng thắn chỉ ra.

Nếu phương án quy hoạch chỉ tạo ra giá trị trước mắt, không có khả năng tạo giá trị gia tăng trong tương lai thì chỉ thu hút nhà đầu tư ngắn hạn đến đầu tư để kiếm cơ hội trước mắt và sau đó sẽ rời đi

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường

Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị phải luật hóa các phương án quy hoạch đô thị dựa trên cơ sở đánh giá, so sánh chi phí trước mắt, lợi ích trong tương lai của phương án, đặc biệt là so sánh giữa chi phí, lợi ích trong việc sử dụng đất.

Đồng thời, phải quy định cụ thể các nội dung quy hoạch đô thị theo định hướng giao thông TOD, cụ thể kế hoạch thu hút các nhà đầu tư, tạo nguồn lực phát triển hạ tầng, tránh tình trạng như hiện nay là các dự án đô thị được đầu tư trước, sau đó tạo ra những bức bách hạ tầng buộc Nhà nước phải bỏ tiền ra đầu tư mà người lợi lại là chủ đầu tư dự án.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) nhấn mạnh, khi lập điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn phải đảm bảo tính kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các dự án đầu tư đang triển khai và nghiên cứu đề xuất các giải pháp phù hợp với khu vực dân cư hiện hữu hợp pháp đã ổn định

Đại biểu đề nghị nên định nghĩa thế nào là dự án đầu tư đang triển khai và nghiên cứu, có phải chỉ cần có chủ trương cho phép nghiên cứu là phải hạn chế tối đa ảnh hưởng; như thế nào là hạn chế tối đa ảnh hưởng...

“Nếu không cụ thể sẽ dẫn đến quy hoạch mang tính chất cộng dồn các dự án mà không có sự đồng bộ và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, không gian kiến trúc, cảnh quan, dễ dẫn đến mất tính hiệu quả của công cụ quy hoạch trong quản lý nhà nước; cũng dễ dẫn đến vướng mắc giữa các chủ thể có liên quan” - đại biểu Thanh nêu rõ.

Theo đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa), trong quá trình thực hiện một số dự án đã được hình thành từ cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, đặc biệt là các dự án giao thông, cấp điện, năng lượng… sau khi chờ điều chỉnh quy hoạch đô thị mới được triển khai dẫn tới chậm tiến độ. Vì vậy, Cơ quan soạn thảo cần rà soát các tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ, khoa học, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn triển khai thực hiện dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hiện nay.

Cùng chuyên mục
  • Phân công cơ quan soạn thảo, thời hạn trình một số dự án luật, pháp lệnh
    2 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định 568/QĐ-TTg phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
  • Thống nhất bổ sung 3 chức danh vào diện đối tượng cảnh vệ
    2 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ vừa được Quốc hội thông qua chiều 28/6 đã bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
  • Ưu tiên các nguồn lực phát triển Thủ đô
    2 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Sáng 28/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, với 95,06% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô.
  • Ưu tiên nguồn lực thỏa đáng cho công tác phòng cháy, chữa cháy
    2 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư, trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
  • Quy định chế tài xử lý hành vi bỏ cọc sau đấu giá đất
    2 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Người trúng đấu giá đất vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó từ 6 tháng đến 5 năm.
Tạo giá trị gia tăng từ quy hoạch…