Tạo hành lang pháp lý về thị trường kinh doanh bảo hiểm “bắt kịp” với thế giới

(BKTO) - Sáng 13/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Qua thảo luận, các Ủy viên UBTVQH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; đồng thời cho rằng, việc sửa đổi Luật phải thực sự tạo ra “cú hích” để thị trường kinh doanh bảo hiểm phát triển mạnh mẽ hơn.



Một số quy định còn bất cập và chưa theo kịp với quốc tế

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự. Một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như: thẩm quyền, quy trình xử lý DN bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập; sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ...                
   

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự thảo Luật. Ảnh: quochoi.vn

   

Bên cạnh đó, một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng, chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro.

Theo Bộ trưởng, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều. Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 07 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019.

Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); phân tách các loại hình bảo hiểm thành 03 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe; đồng thời giới hạn lại bảo hiểm bắt buộc để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.

Cân bằng lợi ích giữa các bên trong hợp đồng bảo hiểm

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo thuận lợi cho thị trường bảo hiểm nước ta phát triển mạnh mẽ, an toàn.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Cho ý kiến về Dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, thị trường bảo hiểm nước ta phát triển nhanh nhưng còn thấp so với tiềm năng và so với mặt bằng thế giới. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Sau khi ban hành Luật sửa đổi này có tạo ra một cú hích để thị trường phát triển mạnh hơn không là điều rất quan trọng", tư duy làm Luật cần theo hướng kiến tạo để phát triển thị trường tiềm năng này. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngoài những nội dung Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra, cơ quan soạn thảo cần chú trọng ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời cần tổng kết thực tiễn và tiếp thu, áp dụng các kinh nghiệm quốc tế.

Liên quan đến chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội nhận xét còn rất chung chung khi dự thảo Luật quy định: Nhà nước có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hợp tác quốc tế trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Nhà nước có chính sách quản lý, giám sát bảo đảm hoạt động kinh doanh bảo hiểm được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả...

Về hợp đồng bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ lại hợp đồng dân sự để một mặt đảm bảo tính tương thích của hợp đồng dân sự đồng thời cũng bảo đảm cân bằng lợi ích giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ (giữa DN bảo hiểm và người mua bảo hiểm), bảo đảm công khai, minh bạch.

Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận cũng đề nghị các quy định liên quan đến hợp đồng bảo hiểm cần quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn để bảo đảm quyền lợi của các bên, đặc biệt là quyền lợi của người mua bảo hiểm.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, thực tế hiện nay tài liệu của hợp đồng bảo hiểm rất nhiều tài liệu, do đó cần nghiên cứu có quy định những nội dung bảo hiểm quan trọng bắt buộc phải có tài liệu có tính chất giao kết, khẳng định rất rõ giao dịch giữa người bán và người mua bảo hiểm, người thứ ba được thụ hưởng; chẳng hạn như yêu cầu về Giấy yêu cầu bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm là những yêu cầu bắt buộc của các hợp đồng bảo hiểm.                
   

Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   
Bên cạnh đó, bà Thanh cũng đề nghị rà soát lại các nội dung trong dự thảo Luật đảm bảo thống nhất với các luật khác. Đồng thời nghiên cứu quy định rõ hơn về chất lượng đội ngũ bán bảo hiểm, Bởi thực tế cho thấy, khi người đi bán bảo hiểm giải thích, tư vấn về quyền lợi không rõ ràng, chưa đúng với nội dung của bảo hiểm, dễ dẫn đến tranh chấp, nhiều hợp đồng không được thực hiện.

Chủ nhiệm Ủ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng đề nghị bổ sung, làm rõ về việc bán và mua bảo hiểm. Bởi trên thị trường hiện nay việc mua bán bảo hiểm rất dễ, nhưng khi có sự việc xảy ra thì đền bù lại rất khó. Hợp đồng bảo hiểm mỗi nơi một kiểu mà không có chuẩn nào, nên tạo ra nhiều rắc rối khi xảy ra tranh chấp. “Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều vụ mấy năm rồi vẫn chưa được đền bù” - ông Cường chỉ ra thực tế và đề nghị cần có hợp đồng mẫu chung để tránh xảy ra tranh chấp, bảo đảm quyền lợi của người mua bảo hiểm./.
Đ. KHOA

Cùng chuyên mục
Tạo hành lang pháp lý về thị trường kinh doanh bảo hiểm “bắt kịp” với thế giới