Tạo khác biệt để không ngừng phát triển

(BKTO) - Những ngày qua, câu chuyện của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng, cũng như giới nghiên cứu khi liên tục xô đổ các kỷ lục về lượng khách tới tham quan. Trong đó, bài học về sự đổi mới không ngừng cũng là yêu cầu đặt ra đối với các bảo tàng để thực hiện mục tiêu thu hút công chúng…

z5449182415056_39fb7a167ea44682dd07b80df70f71b6.jpg
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong trong đổi mới để thu hút công chúng. Ảnh: N.Lộc

Sức hút đặc biệt…

Chính thức mở cửa phục vụ từ ngày 01/11/2024, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đang trở thành một địa điểm được đông đảo du khách quan tâm. Chỉ trong chưa đầy một tháng kể từ khi mở cửa, bảo tàng đón gần 300.000 du khách đến tham quan. Có thời điểm, chỉ tính riêng trong ngày có tới 50.000 lượt khách đã đến Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, con số phá kỷ lục về lượng khách tham quan trong ngày tại các bảo tàng ở Việt Nam trước đó.

Trong nhiều tuần, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đón hàng chục nghìn lượt khách mỗi ngày; các thông tin, hình ảnh tại đây trở thành chủ đề “nóng” lan tỏa trên khắp mạng xã hội.

Thậm chí, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng còn liên hệ, so sánh số lượt khách đến bảo tàng có thời điểm còn cao hơn cả ngày đông khách nhất tại bảo tàng Louvre nổi tiếng của Pháp vào năm 2019 (45.000 lượt khách).

Với lượng khách tham quan xô đổ mọi kỷ lục của các bảo tàng trong nước từ trước đến nay, việc giải mã câu chuyện hút khách của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam sẽ là bài học hữu ích cho các bảo tàng Việt Nam trên hành trình đến gần hơn với công chúng…

TS. Lê Thị Minh Lý - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa

Đáng chú ý, đối tượng khách đến Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam rất đa dạng, từ khách quốc tế, trong nước, đặc biệt là các cựu chiến binh và học sinh, sinh viên... 

Đánh giá về tác động của việc thu hút đông đảo công chúng đến bảo tàng, TS. Lê Thị Minh Lý cho rằng, bảo tàng là nơi nghiên cứu, lưu giữ và phát huy những di sản văn hóa - những giá trị kết tinh, trao truyền qua nhiều thế hệ của dân tộc, của quốc gia.

“Xét ở góc độ giáo dục truyền thống, lịch sử, việc thu hút lượng khách đông đến Bảo tàng là cơ hội tốt giúp tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm của các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống và trách nhiệm với đất nước, dân tộc” - TS. Lê Thị Minh Lý cho biết.

z5449182398635_8c78f1bc9ae5bf93dd452c8604457f05(1).jpg
Nhờ tích cực đổi mới mình, các bảo tàng thu hút không chỉ du khách trong nước, mà còn có đông đảo du khách nước ngoài... Ảnh: N.Lộc

Bởi thế, câu chuyện làm sao để thu hút được công chúng đến với bảo tàng, nhìn từ Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam thời gian qua đã được nhiều chuyên gia đặc biệt quan tâm.

“Việc nhận diện, đánh giá đúng để rút ra bài học kinh nghiệm, tham khảo cách làm hay cho hệ thống bảo tàng hiện nay là vô cùng cần thiết, trong bối cảnh nhiều bảo tàng đang đứng trước thách thức cạnh tranh với các loại hình văn hóa, nghệ thuật khác, cũng như việc đổi mới hoạt động chưa đáp ứng được như kỳ vọng” - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền cho biết. 

Hiện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đang lưu giữ, trưng bày hơn 150.000 hiện vật. Trong đó có bốn bảo vật quốc gia, gồm hai máy bay MIG-21 số hiệu 4324, 5121, xe tăng T54B số hiệu 843 và bản đồ quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Các hiện vật máy bay, xe tăng và nhiều loại khí tài lớn thu được trong các cuộc kháng chiến, gắn bó với nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử quan trọng sẽ được trưng bày ở hai khu vực quảng trường với diện tích hơn 20.000m2. Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mới sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ, như 3D mapping hay phim 3D vào trưng bày.

Không ngừng làm mới mình để thu hút công chúng…

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô và du khách từ trước khi chính thức mở cửa và liên tục tạo làn sóng thu hút công chúng cho đến nay, bởi đây là công trình bảo tàng mới nhất, được đánh giá hiện đại bậc nhất trong hệ thống bảo tàng tại nước ta hiện nay. 

sonp093120241101181047.jpg
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trở thành "hiện tượng" khi đón hàng chục nghìn du khách mỗi ngày, kể từ khi mở cửa. Ảnh TL

Theo nhận định của các chuyên gia, bảo tàng hút khách và tạo hiệu ứng tốt là nhờ sự đổi mới, nâng cao chất lượng trưng bày. Bảo tàng có diện tích lớn với thiết kế, bài trí khoa học; các khu vực chia theo giai đoạn lịch sử với mốc sự kiện hoặc hiện vật nổi bật được bài trí trực quan, sinh động, chú thích rõ ràng. Bên cạnh đó, những ứng dụng công nghệ hiện đại như trình chiếu video, bản đồ 3D mapping, trò chơi điện tử tương tác… cũng khơi gợi thêm hứng thú của khách tham quan, khiến các bài học hay sự kiện lịch sử trở nên sinh động, gần gũi, dễ nhớ.

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã phát triển một bảo tàng số hiện đại và miễn phí trên nền tảng số Yoolife với công nghệ VR360, nhằm phục vụ người dân ở xa chưa có dịp đến tận nơi hoặc bất cứ ai muốn tham quan, tìm hiểu hệ thống hiện vật phong phú, quý giá của bảo tàng vào mọi thời điểm.

Câu chuyện của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam một lần nữa minh chứng cho nhận định: Chỉ có đổi mới không ngừng, các bảo tàng mới có thể tồn tại, thu hút công chúng và phát triển. 

Và điều này là hoàn toàn đúng, không chỉ với các bảo tàng mới, hiện đại mà nhiều bảo tàng có lịch sử lâu đời, rất quen thuộc với công chúng cũng đã mạnh dạn thực hiện đổi mới trong thời gian qua. 

Cả nước hiện có 188 bảo tàng đang hoạt động (128 bảo tàng công lập, 60 bảo tàng ngoài công lập) và đang lưu giữ hơn 4 triệu hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý giá về lịch sử, văn hóa, dân tộc học, mỹ thuật… 

Trước Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng là một trong những bảo tàng có nhiều đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ và gây ấn tượng tích cực với công chúng. 

Nổi bật là sự ra đời của ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA năm 2021 đã khắc phục hạn chế về không gian trưng bày hẹp, dẫn đến không đủ thông tin về hiện vật khiến công chúng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu và cảm nhận tác phẩm.

Hiện nay, ứng dụng có gần 300 bài giới thiệu hiện vật tiêu biểu trên hệ thống trưng bày của bảo tàng với 9 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Đức và Italia. 

Không dừng lại ở đó, mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục cho ra mắt giải pháp Không gian triển lãm trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam. Sau khi đưa ứng dụng vào hoạt động, Bảo tàng thu hút lượng lớn công chúng quan tâm và giúp Bảo tàng trở thành Đơn vị sự nghiệp Chuyển đổi số xuất sắc năm 2024.

TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, không gian triển lãm mỹ thuật số này giúp thu hẹp khoảng cách về địa lý và thời gian, cho phép người dùng tiếp cận, tham quan các triển lãm và tác phẩm nghệ thuật từ mọi nơi trên thế giới một cách dễ dàng, thuận tiện, đồng thời, giúp các nghệ sĩ, nhà tổ chức triển lãm mỹ thuật và bảo tàng tiếp cận đối tượng khán giả rộng lớn hơn trên phạm vi toàn cầu.

Là một trong những bảo tàng có lịch sử lâu đời, song Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh cũng không ngừng nỗ lực làm mới mình để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng. 

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Khắc Xuân Thi, cùng với việc đổi mới bộ nhận diện bảo tàng và ra mắt các sản phẩm quà tặng, lưu niệm mang dấu ấn của bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng hệ thống tương tác thông minh 3D/360, nhất là robot Batalis tích hợp AI (trí tuệ nhân tạo) có thể nhảy múa theo nhạc, di chuyển theo khách, thuyết minh từng hiện vật và tương tác trực tiếp cho du khách.

kiet-tac-ben-bo-di-2.jpg
Nhờ tích cực đổi mới và thu hút đông du khách, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh là một trong những bảo tàng hiếm hoi trong cả nước tự chủ 100% kinh phí. Ảnh TL

Ở góc độ địa phương, Bảo tàng Quảng Ninh là số ít bảo tàng trong cả nước tự chủ 100% kinh phí, hàng năm đón rất đông các du khách trong và ngoài nước. Những kết quả này đến từ việc bảo tàng không ngừng đổi mới để thu hút công chúng.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Trưởng phòng Quản lý dịch vụ, Bảo tàng Quảng Ninh cho biết, cùng với việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động trưng bày, triển lãm, Bảo tàng sẽ thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu của công chúng để đổi mới, điều chỉnh các không gian trưng bày, thay đổi hiện vật tập trung vào những hiện vật là bảo vật quốc gia với phát triển các hoạt động dịch vụ và dịch vụ tiện ích để du khách cảm thấy đây là điểm đến hấp dẫn, mới lạ, thu hút du khách. 

Trên thực tế, bên cạnh số bảo tàng tích cực đổi mới hoạt động và mang lại kết quả tích cực, phần lớn bảo tàng hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc đưa công chúng đến với bảo tàng. 

Tại buổi làm việc với các bảo tàng cuối năm 2024, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đề nghị các bảo tàng tận dụng lợi thế, phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới hơn nữa để thu hút du khách, qua đó phát huy giá trị các di sản văn hóa.

“Các bảo tàng cần có những hoạt động thu hút du khách thông qua các triển lãm, trưng bày chuyên đề. Phải có những đề xuất vượt tầm để có hiệu quả, lan tỏa lớn hơn nữa các giá trị di sản mà chúng ta đang gìn giữ, bảo tồn” - Thứ trưởng yêu cầu.

Cùng chuyên mục
Tạo khác biệt để không ngừng phát triển