Chú trọng cả về lượng và chất
Thời gian qua, công tác phát triển đảng viên nói chung và phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS nói riêng trên địa bàn cả nước đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, có nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương; chú trọng số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục. Đội ngũ cán bộ, đảng viên là người DTTS đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong hệ thống chính trị ở cơ sở, luôn gương mẫu đi đầu trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ thôn, bản…
Là địa phương có đông đồng bào DTTS của tỉnh Sóc Trăng (Khmer chiếm 52,52%, Hoa chiếm 17,12% dân số toàn thị xã), Đảng bộ thị xã Vĩnh Châu chú trọng tăng cường công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào DTTS, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Hằng năm, Ban Thường vụ Thị ủy đều xây dựng kế hoạch quy hoạch, tạo nguồn kết nạp đảng viên nhằm giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng có sự chủ động trong công tác quy hoạch, tạo nguồn. Nhờ đó, công tác kết nạp đảng viên của Đảng bộ đều đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết của Thị ủy và chỉ tiêu tỉnh giao. Riêng năm 2022, Đảng bộ thị xã kết nạp được 171 đảng viên, đạt 171% chỉ tiêu nghị quyết và 100,58% chỉ tiêu tỉnh giao, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ lên hơn 4.200 đảng viên.
Trong khi đó, Ban Tổ chức Huyện ủy Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) cho biết: Nhằm cụ thể hóa Đề án số 03-ĐA/TU ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên mới, đặc biệt là phát triển đảng viên người DTTS, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo cấp ủy các cấp thực hiện tốt công tác tạo nguồn; đặc biệt quan tâm đến các xóm vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và các xóm có chi bộ mới thành lập, các chi bộ có ít đảng viên. Chủ động xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể về kết nạp đảng viên mới cho các xã, thị trấn, chỉ đạo các đảng ủy cơ sở, chi bộ trực thuộc thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, lý tưởng cách mạng cho quần chúng nhân dân.
Đối với các chi bộ xóm, có ít đảng viên là người DTTS tại chỗ, cấp ủy điều động đảng viên ở những nơi có đông đảng viên đến sinh hoạt để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, qua đó, bồi dưỡng quần chúng, tạo nguồn kết nạp đảng viên mới. Từ năm 2022 đến nay, Đảng bộ huyện kết nạp 148 đảng viên, trong đó có 50 đảng viên là người DTTS, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 3.946 đảng viên, sinh hoạt tại 37 chi bộ, đảng bộ trực thuộc.
Thực hiện tốt các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thực tế cho thấy, đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đều gương mẫu thực hiện tốt nhiệm vụ, phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tích cực vận động nhân dân phát huy thế mạnh của địa phương phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đảng viên là người DTTS vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, nguồn phát triển đảng viên tại các xã, thị trấn chủ yếu dựa vào lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ và giáo viên các trường học trên địa bàn, trong khi nguồn quần chúng trong lực lượng này ngày càng hạn chế do sự chuyển dịch cơ cấu lao động, số thanh niên đi học, đi làm tại các khu công nghiệp chiếm tỷ lệ cao nên khó lựa chọn quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng…
Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện tốt hơn công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, giải pháp tiên quyết là thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho bà con. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đến các chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, như: Đào tạo nghề, phát triển các nghề dịch vụ; đầu tư và định hướng khai thác những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên; nâng cao trình độ văn hóa cho đồng bào; có chế độ đãi ngộ, ưu tiên cho cán bộ, đảng viên vùng đồng bào DTTS để người dân tin tưởng và phấn đấu vào Đảng.
Mặt khác, ở góc độ địa phương, Ban Thường vụ các tỉnh ủy cần giao trách nhiệm cho đảng bộ các xã, chi bộ thôn, bản tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng để thanh niên nhận thức đúng đắn và có mục tiêu phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đặc biệt, địa phương cần tập trung khai thác các chương trình tín dụng ưu đãi hiện có; thực hiện tốt các chương trình, chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi, để lao động trẻ có thể làm việc, cống hiến cho quê hương.
Cùng với đó, quan tâm công tác phát triển đảng viên gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS tại chỗ nhằm khuyến khích, động viên quần chúng là đồng bào DTTS có động lực phấn đấu vào Đảng. Đồng thời, tạo việc làm, giữ chân lao động trẻ ở địa phương; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần để người dân phấn khởi, tin tưởng, mong muốn được cống hiến, từ đó tạo nguồn phát triển Đảng một cách bền vững./.
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Nghị quyết đặt mục tiêu: Đến năm 2025, phấn đấu 100% thôn, bản có đảng viên; tỷ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm trong giai đoạn 2020-2025 đạt từ 3-4% tổng số đảng viên. Đến năm 2030, phấn đấu 100% thôn, bản, tổ dân phố có chi bộ; tỷ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm trong giai đoạn 2025-2030 đạt từ 3-4% tổng số đảng viên.