Tạo sự đồng thuận xã hội đối với Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

(BKTO) - Việc tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm hoàn thiện dự án luật tốt hơn, tạo sự đồng thuận trong xã hội ngay từ khâu soạn thảo.

tu.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh sưu tầm

Sáng nay (12/3), tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Thông tin từ Hội nghị cho biết, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam.

Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18/6/2009). Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân ở khắp mọi miền đất nước.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực, cụ thể như: Một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung chung cần quy định rõ hơn; một số quy định của Luật có tính khả thi chưa cao, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi hoặc bãi bỏ; một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật.

Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có bố cục gồm 9 chương, 101 điều, tăng 2 chương, 27 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành có 7 chương, 73 điều.

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự tập trung thảo luận vào nội dung phạm vi, đối tượng điều chỉnh và bố cục của Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); những vấn đề nhằm bảo đảm phù hợp với văn bản của Đảng, bảo đảm tính hợp Hiến, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật của Dự thảo Luật.

Hội nghị cũng thảo luận về bảo đảm tính phù hợp với cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; các quy định liên quan đến quyền con người, trong đó tập trung phản biện xã hội quyền hưởng thụ, tiếp cận và sử dụng các di sản văn hóa; các quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa của tổ chức, cá nhân. 

Đại biểu tham dự cũng góp ý kiến đối với quy định về các loại hình di sản văn hóa vật thể; việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa do Nhà nước quản lý; di sản văn hóa do tư nhân quản lý; quy định về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể do nhà nước quản lý, di sản văn hóa do tư nhân quản lý; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong các quy định về quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa do các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo quản lý. 

Cùng với đó là điều kiện bảo đảm nguồn lực và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ di sản văn hóa, nhất là vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận…

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đóng góp ý về các vấn đề như: Khuyến khích phát triển các sản phẩm số dựa trên di sản; xác định quyền sở hữu, mua bán cổ vật cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn; bổ sung vai trò, nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban MTTQ các cấp...

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính xã hội, khách quan, khoa học, xây dựng, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và hiệu quả của văn bản; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Trên cơ sở những ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiêm túc tiếp thu để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Phiên họp lần thứ 31 tới đây./.

Cùng chuyên mục
Tạo sự đồng thuận xã hội đối với Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)