Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

(BKTO) - Ngày 20/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có Công văn gửi các Bộ, ngành, UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương… về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định hỗ trợ phát triển DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị định 57/2018/NĐ-CP.



Sửa đổi Nghị định 57 để thích ứng với tình hình mới

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá thịt lợn hiện nay của nước ta tăng cao, gấp 4-5 lần giá thịt tại Mỹ. Do vậy, cần bổ sung đối tượng này vào chính sách hỗ trợ để khôi phục ngành chăn nuôi lợn, tạo cạnh tranh bình đẳng, hạ giá thành mặt bằng chung của sản phẩm.
                
   

Cần bổ sung các DN chăn nuôi lợn được hưởng chính sách hỗ trợ (Ảnh minh họa) - Ảnh: DĐDN

   

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, chế biến nông lâm sản. Vì thế cần phải có cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN khôi phục và phát triển sản xuất.

Yếu tố đáng chú ý nữa là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã bắt đầu có hiệu lực, tạo ra sân chơi mới, cơ hội mới, thách thức mới cho nông sản Việt Nam, nhất là nông sản hữu cơ và nông sản hiệu quả cao. Do đó, cần có chính sách để thúc đẩy đối tượng này phát triển.

Ngoài ra, Việt Nam đang đón nhận Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), nên việc hỗ trợ DN trong nước và DN nước ngoài cần phải bình đẳng. Nhưng để bảo đảm việc đầu tư của DN nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh Việt Nam thì cần thiết phải bổ sung quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với loại hình DN nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Gỡ khó cho địa phương khi thực hiện

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, quá trình thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP tuy đạt được kết quả nhất định nhưng thực tế cũng đã phát sinh nhiều vấn đề, khó khăn mới. Báo cáo của các tỉnh, thành phố cho thấy, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn chưa thật rõ ràng nên khi thực hiện còn lúng túng.

Đơn cử, việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ đất nông nghiệp, tạo quỹ đất để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn khó thực hiện do khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ. Hiện nay, Bộ Tài nguyên & Môi trường đang được Chính phủ giao xây dựng Nghị định khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp.
                
   

DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn khó thực hiện tích tụ đất (Ảnh minh họa) - Ảnh: danviet

   

Một vấn đề nữa là trình tự thực hiện quyết định chủ trương đầu tư còn có những cách hiểu khác nhau khi vận dụng Luật Đầu tư 2015 (quyết định chủ trương đầu tư cho từng dự án) và Nghị định 57/2018/NĐ-CP (quyết định chủ trương cho danh mục các dự án được khuyến khích).

Từ thực tiễn công tác, một số địa phương yêu cầu bổ sung thêm điều kiện để được cấp vốn từ ngân sách Trung ương (NSTW) và đề nghị NSTW hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng này để thúc đẩy các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
         
Đến nay, có 40 địa phương ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; 15 địa phương ban hành danh mục dự án khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; 15 địa phương ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh; 10 địa phương ban hành định mức hỗ trợ chi tiết nhưng chưa có địa phương ban hành cơ chế ban hành chính sách thúc đẩy tập trung đất đai theo quy định tại Nghị định 57.

Có thể thấy, việc ban hành cơ chế, chính sách triển khai Nghị định 57 tại các địa phương còn chậm. Một phần nguyên nhân là do sự thiếu chủ động của các địa phương. Một phần nữa là do tại các địa phương có nhiều chính sách ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn; cho nhiều đối tượng khác nhau.

Do đó, để xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ DN nông nghiệp, cần phải rà soát các chính sách đang triển khai tại địa phương để đề xuất phương thức và mức hỗ trợ phù hợp đối với DN nông nghiệp.

Việc Trung ương chưa cân đối nguồn vốn hỗ trợ địa phương thực hiện Nghị định 57 cũng làm các địa phương băn khoăn, lúng túng trong triển khai chính sách, cho rằng chính sách khó khả thi do thiếu nguồn lực. Trong khi đó, do ngân sách địa phương hầu hết khó khăn nên chưa bố trí vốn hoặc bố trí để hỗ trợ cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít.
         
Số vốn dự kiến được giao kế hoạch trung hạn từ NSTW giai đoạn 2016-2020 là 300,02 tỷ đồng, bố trí cho 24 địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình bố trí vốn hàng năm, do NSTW bố trí không đủ theo kế hoạch trung hạn, hơn nữa các công trình kết cấu hạ tầng của địa phương thu hút nguồn vốn lớn, dẫn đến nguồn vốn NSTW được bố trí thực hiện Nghị định 57 chỉ còn 113,505 tỷ đồng cho 31 dự án tại 15 địa phương (trung bình 3,7 tỷ đồng/dự án).

Mặc dù vậy, quá trình thực hiện hỗ trợ DN nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ cộng đồng DN. Các dự án được hỗ trợ sau đầu tư cơ bản đều đã đi vào hoạt động tốt, góp phần không nhỏ để các DN vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua.

Trước bất cập này, các địa phương đề nghị các Bộ có liên quan sớm ban hành quy định, hướng dẫn còn thiếu theo Nghị định 57. Đồng thời rà soát điều chỉnh những bất cập của Nghị định để việc thực hiện đảm bảo phù hợp với các Luật mới được ban hành.

Trong điều kiện ngân sách của các địa phương còn khó khăn, tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 57, NSTW trí tối thiểu 5% vốn đầu tư ngành nông nghiệp. Thực tế cho thấy, tổng hợp nhu cầu vốn từ NSTW giai đoạn 2021-2025 là khoảng 8.600 tỷ đồng để thực hiện khoảng 800 dự án với tổng mức đầu tư trên 107.000 tỷ đồng.

H.THOAN
Cùng chuyên mục
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn