Tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng trong năm 2023

(BKTO) - Bộ Xây dựng vừa ban hành Chương trình hành động của ngành xây dựng thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

20220922_130851.jpg
Trong năm 2023, ngành xây dựng sẽ ưu tiên, tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng - Ảnh minh họa: D.THIỆN

Theo đó, trong năm 2023, ngành xây dựng sẽ ưu tiên, tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng.

Theo Chương trình hành động, ngành xây dựng sẽ hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); nghiên cứu, xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sau khi được Chính phủ thông qua chính sách, Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý và phát triển đô thị; Luật Cấp, thoát nước, trình Chính phủ trước ngày 01/11; tổ chức nghiên cứu Luật điều chỉnh về quản lý không gian ngầm.

Cùng với nhiệm vụ trên, trong năm 2023, ngành xây dựng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của ngành xây dựng.

Theo đó, Ngành sẽ thực hiện thống kê, công bố, cập nhật và công khai thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đảm bảo kịp thời, chính xác; rà soát, đánh giá chi phí tuân thủ, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, hoàn thành xây dựng Kho dữ liệu dùng chung ngành xây dựng; Trục tích hợp chia sẻ dữ liệu Bộ Xây dựng; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công khai thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Đặc biệt, ngành xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn.

Ngành cũng tiếp tục rà soát, đề xuất bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan theo hướng bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi; rà soát các loại chứng chỉ hành nghề để thu gọn, tránh trùng lặp, tránh lãng phí chi phí của xã hội…

Bên cạnh đó, ngành xây dựng cũng sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; trọng tâm là triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Song song với đó là tập trung nghiên cứu đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản; khắc phục lệch pha cung - cầu sản phẩm bất động sản, chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp.

Đồng thời hoàn thiện, duy trì thường xuyên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; thường xuyên bám sát tình hình thị trường bất động sản để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách pháp luật đối với thị trường bất động sản, để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh…/.

Cùng chuyên mục
Tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng trong năm 2023