Tập trung kiểm toán, đánh giá toàn diện các vấn đề xã hội quan tâm

(BKTO) - Chiều 03/10, tại phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIV đã cho ý kiến về dự kiến Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2017 của KTNN. Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí về nguyên tắc, định hướng, trọng tâm kiểm toán cũng như dự kiến KHKT của KTNN, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề cần tập trung kiểm toán nhằm đưa ra những đánh giá toàn diện việc thực hiện các chính sách, việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công…




Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp Ảnh: NGỌC BÍCH

Tiếp tục đổi mới hoạt động kiểm toán

Báo cáo dự kiến KHKT năm 2017 của KTNN cho biết, KHKT năm 2017 được xây dựng dựa trên đánh giá về đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội; việc phân bổ và chấp hành dự toán NSNN trong những tháng đầu năm 2016 và các cơ chế, chính sách có liên quan.

Theo đó, nhằm phục vụ tốt nhất hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, công tác quản lý, điều hành NSNN, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và các địa phương, KTNN đã xác định, định hướng một số trung hạn trong KHKT năm 2017, đó là: Tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới hoạt động kiểm toán nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Trong đó, KTNN tiếp tục tập trung kiểm toán ngân sách của hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; các Bộ, cơ quan T.Ư có quy mô ngân sách lớn để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của Báo cáo quyết toán ngân sách nhằm phục vụ việc phê chuẩn Báo cáo quyết toán ngân sách của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và Quốc hội. Đồng thời, tập trung đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ, chương trình và dự án được triển khai để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và các văn bản pháp luật mới, trong đó chú trọng vào các lĩnh vực: Việc quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đô thị, khu kinh tế, đất tái định cư; đất nông, lâm trường; việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; việc xây dựng và triển khai thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; các hoạt động thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; quản lý, bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước; cải thiện và nâng cao năng lực tài chính; bình ổn giá xăng, dầu; sở hữu chéo, nợ xấu; cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy kiểm soát, kiểm toán nội bộ; việc tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng…

Với định hướng trên, KTNN lựa chọn 211 đầu mối, đơn vị, chủ đề kiểm toán năm 2017 (tăng so với KHKT năm 2016 là 16 đầu mối, đơn vị, chủ đề kiểm toán) để tổ chức thành 228 cuộc kiểm toán, tăng so với KHKT năm 2016 là 8 cuộc kiểm toán. Trong đó, ngoài kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2015 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KTNN dự kiến kiểm toán 14 Bộ, cơ quan T.Ư và 47 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; 9 chủ đề kiểm toán hoạt động; 27 chuyên đề. Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, ngoài 2 dự án thuộc khối Quốc phòng, KTNN dự kiến tổ chức 48 cuộc kiểm toán với 69 dự án, trong đó có: 14 dự án BOT, 1 dự án BT, 1 dự án BOT kết hợp BT và 13 dự án sử dụng vốn ngoài nước. Cùng với đó, KTNN cũng dự kiến kiểm toán 41 đầu mối DN và tổ chức tài chính - ngân hàng (trong đó có các ngân hàng được NHNN mua với giá 0 đồng); 18 đầu mối lĩnh vực quốc phòng; 54 đầu mối lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng và 1 chuyên đề.

Năm 2017, KTNN cũng dự phòng nhân lực và thời gian để thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý tài chính đối với DN (bao gồm DN 100% vốn nhà nước, DN do các tập đoàn kinh tế nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) có mức vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng...

Tập trung kiểm toánnhững vấn đề lớn gây bức xúc

Tại phiên thảo luận, cơ quan thẩm tra và đa số ý kiến trong UBTVQH đánh giá cao những kết quả đạt được trong hoạt động KTNN thời gian qua. Cơ bản nhất trí về dự kiến KHKT năm 2017 của KTNN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và các đại biểu đề nghị KTNN cân nhắc, rà soát giảm bớt các chuyên đề nhỏ lẻ, tập trung vào kiểm toán các chuyên đề đang được xã hội quan tâm nằm trong định hướng mà KTNN đề ra để kiểm toán trên diện rộng, nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện chính sách, việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đề nghị năm tới kiểm toán cần giảm đầu mối và tập trung vào các vấn đề lớn mà nhân dân bức xúc: thứ nhất là cơ chế xin - cho, phải chỉ ra được có cơ chế xin - cho hay không và xin - cho ở đâu!; thứ hai là những công trình, dự án gây thất thoát, lãng phí lớn và thứ ba là các dự án BOT.

Đồng tình với KHKT năm 2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần tập trung kiểm toán những vấn đề lớn, bổ sung vào KHKT chuyên đề về quản lý nợ công để làm rõ việc quản lý và sử dụng vốn ODA, gắn với nội dung mà UBTVQH giám sát. Đây cũng là nội dung được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị KTNN đưa vào KHKT năm 2017. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhấn mạnh, KTNN cần quan tâm đến 2 chuyên đề mà Quốc hội sẽ giám sát, đó là các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển. Sau khi kiểm toán xong thì công khai kiến nghị kiểm toán và theo dõi việc thực hiện để giữ nghiêm kỷ luật tài chính.

Một số ý kiến đề nghị cần tăng cường vai trò của KTNN trong công tác phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, trước thực trạng việc thực hiện kiến nghị kiểm toán còn hạn chế, các đại biểu đề nghị cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, trong đó ngoài việc tăng cường theo dõi, đôn đốc, KTNN cần có báo cáo trước Quốc hội về những đơn vị không thực hiện kiến nghị kiểm toán…

Kết luận phiên họp, trên cơ sở đồng tình với ý kiến của cơ quan thẩm tra và các ý kiến góp ý tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu KTNN cần hoàn thiện Báo cáo dự kiến KHKT năm 2017 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 sắp tới.

NGUYỄN HỒNG
Cùng chuyên mục
  • Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP  từ 6,3 - 6,5% trong năm 2016
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong2 ngày, 3 và 4/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúcđã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.
  • Kiểm toán độc lập Việt Nam: Đón đầu xu hướng phát triển mới
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Kiểm toán độc lập (KTĐL) đã và đang thay đổi để đáp ứng những yêu cầu mới của nhà đầu tư trên toàn cầu. Trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, KTĐL Việt Nam cần phải chuẩn bị những hành trang cần thiết để đón đầu xu thế phát triển mới. Vấn đề này được đặt ra tại Hội thảo “Tương lai của ngành Kiểm toán” do Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức ngày 27/9, tại Hà Nội.
  • Tiếp tục phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Chưa đạt mục tiêu từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 21/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã dành phần lớn thời gian nghe và thảo luận về: Báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN).
  • Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản nhà nước
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 3. Việc sửa đổi Luật được kỳ vọng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành; đồng thời thể chế hóa Điều 53 của Hiến pháp về tài sản công; tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật; bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
  • Làm rõ quyền và trách nhiệm phối hợp trong lập, xây dựng các báo cáo về NSNN
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTƯ) và phê chuẩn quyết toán NSNN (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11). Dự thảo Nghị quyết có nhiều điểm mới quan trọng, đặc biệt đã bổ sung quyền và trách nhiệm tham gia, phối hợp của KTNN trong quá trình lập, thẩm tra, trình Quốc hội báo cáo về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ và phê chuẩn quyết toán NSNN.
Tập trung kiểm toán, đánh giá toàn diện các vấn đề xã hội quan tâm