Tập trung phân tích, đánh giá cách thức tổ chức kiểm toán ngân sách địa phương

(BKTO)- Đây là yêu cầu của GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu - đối với Ban Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Đổi mới tổ chức kiểm toán ngân sách địa phương”. Đề tài do TS. Lê Đức Luận và TS. Cù Hoàng Diệu (KTNN khu vực VII) đồng Chủ nhiệm và được Hội đồng khoa học KTNN nghiệm thu vào sáng 18/9.



                
   

TS. Lê Đức Luận thay mặt Ban Chủ nhiệm Đề tài
   trình bày kết quả nghiên cứu

   
Theo Ban Chủ nhiệm Đề tài, thời gian qua, KTNN tổ chức kiểm toán ngân sách địa phương theo mô hình truyền thống: phân tuyến, nhiều cấp, trưởng đoàn kiểm toán là cấp quản lý trung gian, không trực tiếp thực hiện kiểm toán. Mô hình này đã phát huy hiệu quả, hiệu lực trong giai đoạn đầu của KTNN. Nhưng đến nay, do quy mô ngân sách địa phương lớn, phân cấp quản lý theo hướng địa phương chủ động nguồn thu và nhiệm vụ chi… nên mô hình tổ chức kiểm toán truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán. Do đó, việc thực hiện Đề tài nghiên cứu này là cần thiết nhằm kiến nghị các giải pháp đổi mới tổ chức kiểm toán ngân sách địa phương cho phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán và Luật NSNN 2015.

Đề tài gồm 3 phần: Chương 1- Cơ sở lý luận đổi mới tổ chức kiểm toán ngân sách địa phương; Chương 2 - Thực trạng tổ chức kiểm toán ngân sách địa phương của KTNN Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế; Chương 3 - Phương hướng và giải pháp đổi mới tổ chức kiểm toán ngân sách địa phương của KTNN Việt Nam.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả nghiên cứu có giá trị về mặt khoa học, ý nghĩa thực tiễn cao. Đề tài đã đánh giá được thực trạng tổ chức kiểm toán ngân sách địa phương; phân tích kinh nghiệm quốc tế để áp dụng vào thực tiễn kiểm toán. Thông qua việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Đề tài đã chỉ rõ nguyên nhân, hạn chế trong công tác tổ chức kiểm toán ngân sách địa phương, từ đó đưa ra giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả cho cuộc kiểm toán.

Trên cơ sở đó, Hội đồng nghiệm thu cũng yêu cầu Ban Chủ nhiệm cần biên tập lại kết cấu, bố cục để Đề tài đảm bảo tính khoa học, rõ ràng, tránh trùng lặp; đánh giá sâu hơn về những hạn chế trong tổ chức thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương, từ đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện; phân tích, chỉ rõ ưu điểm, nhược điểm của từng hình thức kiểm toán; bổ sung các yếu tố bên ngoài liên quan đến việc phân cấp ngân sách địa phương. Để đảm bảo tính khả thi, Đề tài cần xây dựng các giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn với lộ trình cụ thể, bám sát thực tiễn cũng như các văn bản pháp luật và chuẩn mực kiểm toán…

Kết luận tại buổi nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến của Hội đồng. Trong đó, Đề tài cần tập trung sâu hơn vào việc phân tích, đánh giá cách thức tổ chức kiểm toán như: tổ chức các cuộc kiểm toán riêng theo từng nội dung hay lồng ghép cả quyết toán ngân sách với các nội dung kiểm toán khác; kiểm toán 3 cấp ngân sách; xác định trọng yếu rủi ro và chọn mẫu; áp dụng các chuẩn mực kiểm toán; đổi mới tổ chức kiểm toán ở cả 3 bước: kế hoạch, thực hiện và báo cáo. Ban Chủ nhiệm cũng cần lưu ý đến nội dung đánh giá hạn chế trong việc tổ chức kiểm toán, xác định lại phạm vi kiểm toán, từ đó đưa ra các giải pháp khả thi và lộ trình thực hiện…
Hội đồng nghiệm thu thống nhất xếp loại Khá cho Đề tài.

Tin và ảnh: THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Tập trung phân tích, đánh giá cách thức tổ chức kiểm toán ngân sách địa phương