Tập trung phòng chống và đẩy lùi dịch cúm gia cầm đang bùng phát

(BKTO)- Đến ngày 17/2, cả nước ghi nhận 16 ổ dịch cúm gia cầm (gồm 14 ổ dịch do H5N6 và hai ổ dịch do H5N1) chưa qua 21 ngày tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Trà Vinh. Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy trên 55.000 con.



                
   

Ảnh minh họa

   
Từ ngày 3/2, ổ dịch cúm gia cầm H5N6 đã xảy ra tại 13 hộ chăn nuôi, của 4 thôn thuộc 2 xã Tân Khang và Tân Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa làm 375 con gia cầm mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy 21.040 con.

Tiếp đó, ngày 4/2, dịch lại xảy ra ở 1 hộ chăn nuôi của thôn Đồng Tâm, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa làm 800 con vịt mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy 3.280 con gia cầm. Đến nay, dịch cúm gia cầm H5N6 đã xảy ra tại 18 hộ chăn nuôi của 6 thôn, 4 xã, thuộc 2 huyện Nông Cống và Quảng Xương, làm 2.050 con gia cầm ốm, chết, buộc phải tiêu hủy hơn 26.000 con.

Thống kê của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tổng đàn gia cầm trên cả nước là hơn 460 triệu con. Tại Việt Nam, trong năm 2019 bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 133 nghìn con gia cầm. Do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa thất thường, độ ẩm cao; các hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm gia tăng… tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh, các địa phương và hộ chăn nuôi trên địa bàn đã chủ động triển khai, thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật, theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành lập các tổ công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện cụ thể các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh phòng dịch; phối hợp với các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức giám sát, cảnh báo và kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm và các loại bệnh nguy hiểm khác ở động vật.

Đặc biệt là hướng dẫn chủ chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động giám sát và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; chuẩn bị đầy đủ, cấp phát kịp thời vắc xin, thuốc sát trùng, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm và các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi cho các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao; khẩn trương xây dựng kế hoạch và phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương sớm tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh để phòng bệnh chủ động theo quy định; đồng thời, tháng 2 tổ chức thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đảm bảo có hiệu quả.

Ông Hoàng Sơn Hải - Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Đồng Nai cho biết: Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, cúm gia cầm rất dễ bùng phát do thời tiết lạnh. Chúng tôi đã cảnh giác vấn đề này. Khoảng 2 tháng trước Tết Nguyên đán Canh Tý, chúng tôi cho lấy mẫu huyết thanh làm xét nghiệm ở đàn gia cầm và thủy cầm các huyện, thị trên toàn tỉnh. Kết quả, chưa nơi nào có mẫu bệnh phẩm biểu hiện mắc vi rút cúm gia cầm H5N1. Toàn tỉnh có trên 1 triệu con gà, 240 nghìn con vịt và cho đến bây giờ công tác giám sát vẫn được thực hiện hết sức chặt chẽ. Ngành thú y đã huy động 100% lực lượng cộng tác viên tham gia công tác giám sát này.

Quyết liệt vào cuộc cùng các địa phương để ngăn chặn, đẩy lùi dịch cúm gia cầm H5N6, ngay từ khi phát hiện các ổ dịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y vùng III, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Nông Cống, UBND huyện Quảng Xương chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các biện pháp bao vây dập dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo đó, ngành nông nghiệp đã phân công lực lượng, rà soát tình hình chăn nuôi, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các hộ gia đình có gia cầm mắc bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Tập trung lực lượng tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại các thôn có dịch và các thôn, xã thuộc vùng uy hiếp.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã cấp 5.500 lít hóa chất sát trùng cho các huyện Quảng Xương, Nông Cống, Thiệu Hóa và TP. Thanh Hóa để phòng, chống dịch. Cấp vắc-xin chủng cúm gia cầm cho các địa phương có dịch và địa phương có nguy cơ cao để tiêm phòng bao vây ổ dịch. Chỉ đạo lực lượng thú y tăng cường công tác kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn để ngăn chặn bệnh dịch lây lan. Lập các chốt kiểm soát trên các tuyến giao thông ra vào địa bàn các xã có dịch, trực 24/24 giờ nhằm ngăn chặn không đưa gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài vùng dịch.

Theo ông Trần Phú Cường - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh đang diễn ra trên nhiều địa phương, ngành chăn nuôi Bình Dương đang đẩy mạnh triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh cúm trên đàn gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Các địa phương trong tỉnh đã bám sát Kế hoạch số 2491 của UBND tỉnh Bình Dương về việc thực hiện kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 ban hành năm 2019.

Hiện Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương đang thực hiện việc phân chia vùng nguy cơ (cấp huyện) về bệnh cúm gia cầm; tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm; vệ sinh, tiêu độc khử trùng; quản lý chặt việc buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm. Cùng với đó, Chi cục tăng cường thông tin tuyên truyền; xây dựng kế hoạch xử lý ổ dịch trong trường hợp có dịch bệnh diễn ra...

Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương đã và đang thực hiện mục tiêu cụ thể là duy trì các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo là 4 vùng chăn nuôi được Cục Thú y công nhận là vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm. Từ đó xây dựng các vùng, chuỗi sản xuất gia cầm, sản phẩm gia cầm an toàn dịch bệnh đáp ứng tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu. Ngành cũng nâng cao năng lực ngành thú y của tỉnh trong công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thú y cấp tỉnh; đồng thời kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

AN CHI (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Tập trung phòng chống và đẩy lùi dịch cúm gia cầm đang bùng phát