Thách thức lớn của thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

(BKTO)- Ngày 13/9, Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) cho rằng nhân loại đang "đi sai hướng" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu do việc sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch. Theo WMO, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hiện đang cao hơn so với mức trước đại dịch.



                
   

Lượng khí CO2 phát thải toàn cầu đã cao hơn 1,2% so với trước khi đại dịch bùng phát - Nguồn: AFP

   

Lượng khí CO2 phát thải toàn cầu đã tăng trở lại sau đại dịch

Trong báo cáo United in Science công bố cùng ngày, WMO cho rằng thiên tai sẽ trở nên phổ biến nếu thế giới không cắt giảm lượng khí carbon theo mức mà giới khoa học cho là cần thiết để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu. Bản đánh giá viện dẫn trận lũ lụt nghiêm trọng tại Pakistan và đợt nắng nóng ảnh hưởng đến mùa màng tại Trung Quốc trong năm nay là những ví dụ cho những gì có thể xảy ra.

Báo cáo của WMO nhấn mạnh rằng sau gần 3 năm đại dịch COVID-19 tạo cơ hội để các chính phủ đánh giá lại cách thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm như trước đây. Theo WMO, sau khi lượng khí thải giảm 5,4%, mức giảm chưa từng có, vào năm 2020 do các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại toàn cầu vì dịch bệnh, dữ liệu sơ bộ từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay cho thấy lượng khí CO2 phát thải toàn cầu cao hơn 1,2% so với trước khi đại dịch bùng phát. Theo đánh giá, con số này chủ yếu là lượng khí phát thải tăng hằng năm ở Mỹ, Ấn Độ và hầu hết các nước châu Âu.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh rõ ràng thế giới đang đi sai hướng. WMO cho biết nồng độ khí nhà kính tiếp tục tăng, lên tới mức cao mới. Trong khi đó, tỷ lệ phát thải từ nhiên liệu hóa thạch hiện cao hơn mức trước đại dịch. 7 năm qua là thời kỳ ấm nhất được ghi nhận.

Báo cáo của WMO cho biết có 93% khả năng kỷ lục về năm nóng nhất trên toàn cầu - hiện tại là năm 2016 - sẽ bị phá vỡ trong vòng 5 năm tới. Cơ quan này cảnh báo việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch đồng nghĩa với việc có tới 48% là nhiệt độ toàn cầu trung bình hằng năm tạm thời vượt quá 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong 1 năm của 5 năm tới.

Trong một đánh giá về tình trạng khí phát thải hằng năm sau các cam kết mới nhất tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), diễn ra ở Glasgow, Anh, Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) cho rằng ngay cả những cam kết được đưa ra tại hội nghị này cũng chưa đủ.

Theo UNEP, trên thực tế, cần nâng cam kết của các nước lên 4 lần để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C, và 7 lần để đạt được mục tiêu tăng 1,5 độ C. UNEP nhấn mạnh, với các chính sách khí hậu trên toàn thế giới như hiện nay, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm 2,8 độ C vào năm 2100.

Bà Tasneem Essop, Giám đốc điều hành của Mạng lưới Hành động Khí hậu, cho biết Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại Ai Cập cần sự nhất trí các nhà lãnh đạo trong việc cung cấp nguồn tài trợ mới để hỗ trợ các cộng đồng ở các quốc gia thuộc nhóm rủi ro trước biến đổi khí hậu có thể tái thiết sau các trận thiên tai. Theo bà, bức tranh mà báo cáo của WMO đưa ra là hiện thực mà hàng triệu người đang đối mặt với những thảm họa khí hậu liên tục tái diễn.

EU trước thách thức lớn hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu
                
   

Châu Âu và nhiều quốc gia trên thế giới vừa trải qua một mùa hè nắng nóng kỷ lục - Nguồn: istockphoto

   

Từng được xem là khu vực đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Liên minh châu Âu (EU) giờ đây đang phải tăng cường nhập khẩu than nhiệt (thermal coal) hơn bất kỳ khu vực nào khác. Cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng nghiêm trọng tại EU không chỉ gây ra những hệ lụy đối với sự ổn định kinh tế, xã hội tại các nước thành viên, mà còn đe dọa phủ bóng lên triển vọng hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu của khối. Giải tỏa cơn khát năng lượng đồng thời bảo đảm đi đúng hướng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là thách thức lớn đối với EU.

Theo dữ liệu từ công ty phân tích dữ liệu Kpler, từ tháng 1 đến hết tháng 8 vừa qua, "Lục địa già" là khu vực duy nhất trên thế giới tăng nhập khẩu than so với cùng kỳ năm ngoái, tạo ra 35,5% tương đương 15 triệu tấn nhiên liệu sản xuất điện. Kpler cho biết tính tới tháng 8, đã có 57,3 triệu tấn than nhiệt được vận chuyển vào châu Âu, chiếm 9,5% tổng lượng nhập khẩu than nhiệt toàn cầu trong cùng thời gian.

Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát vào tháng 2 năm nay làm gián đoạn việc cung cấp khí đốt tự nhiên và nhiên liệu từ khu vực này, các công ty châu Âu đã phải gấp rút tiến hành cuộc cải tổ khẩn cấp trong việc nhập khẩu năng lượng. Mặc dù vậy, việc tăng mua năng lượng lại đảo ngược nỗ lực cắt giảm nhập khẩu than của châu Âu, đồng thời đe dọa những nỗ lực đã được thực hiện trong thập niên qua nhằm đưa châu lục này trở thành khu vực đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Kể từ năm 2010, nhiều nhà máy than đã ngừng hoạt động trên khắp châu Âu và các nơi khác trong bối cảnh dư luận ngày càng phản đối mạnh mẽ việc sử dụng nhiên liệu bẩn, gây hại cho môi trường và kêu gọi sử dụng rộng rãi các nguồn năng lượng phát thải carbon thấp hơn. Châu Âu đã đẩy mạnh đầu tư vào việc lắp đặt các công trình năng lượng xanh, đồng thời tăng khoảng 15 điểm % tỷ trọng điện năng được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo lên gần 38% - chỉ đứng sau Mỹ Latinh. Khu vực này cũng đã đặt ra một số mục tiêu táo bạo nhất thế giới về sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có mục tiêu đưa năng lượng từ các nguồn tái tạo tăng lên chiếm 32% tổng mức tiêu thụ năng lượng - bao gồm giao thông, hộ gia đình và công nghiệp, vào năm 2030.

Tuy nhiên, đối mặt với giá khí đốt tự nhiên liên tiếp lập kỷ lục và nguồn cung gián đoạn, làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế, gây bất ổn xã hội tại EU. Nguy cơ thiếu nhiên liệu để sưởi ấm và sản xuất khi mùa đông đang đến gần khiến chính phủ một số nước EU bất đắc dĩ phải quay lại sử dụng than đá. Mới đây, Đức đã kích hoạt lại các nhà máy điện chạy bằng than để giảm bớt cơn khát năng lượng. Trong khi đó, Hà Lan dỡ bỏ tất cả hạn chế đối với các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Áo cũng thông báo sẽ mở lại các cơ sở sản xuất điện từ than đá để bù đắp nguồn khí đốt bị thiếu.

Hồi đầu năm 2022, Đức thông báo quyết định đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng than đá vào năm 2030. Quốc gia đầu tàu EU cam kết tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 80% vào năm 2030 từ mức 40% hiện nay. Vì vậy, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck mô tả việc Đức quay trở lại với than đá là một “quyết định cay đắng”, song nhấn mạnh rằng ưu tiên cao nhất là các kho dự trữ khí đốt phải được lấp đầy trước mùa đông. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định, đây là biện pháp khẩn cấp trong ngắn hạn và không gây tổn hại các mục tiêu khí hậu của nước này.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc quay trở lại sản xuất năng lượng từ than đá có thể khiến EU bỏ lỡ các mục tiêu về khí hậu. Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, EU đã đồng ý cắt giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Việc tăng cường sử dụng than tại các nền kinh tế lớn đe dọa làm tổn hại những cam kết của EU về chống biến đổi khí hậu. Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry cho rằng, việc tăng cường sử dụng than ở châu Âu chỉ nên là giải pháp tạm thời.

Trong một phát biểu mới đây, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol kêu gọi các nước tránh gia tăng sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Theo ông Birol, nhiên liệu hóa thạch có thể cần thiết trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, các nước không nên viện cớ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay để biện minh cho các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cảnh báo, nguy cơ từ biến đổi khí hậu đáng lo ngại hơn cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.

Theo ESA, các đợt nắng nóng liên tiếp, nhiệt độ tăng, cháy rừng, nước sông cạn dần trong những tháng qua đã phản ánh rõ thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra cho thế giới nói chung và châu Âu nói riêng. ESA nhấn mạnh, nếu các nước không nhanh chóng hành động, thế giới sẽ gánh chịu thiệt hại lên đến hàng trăm nghìn tỷ USD trong thế kỷ này do biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen từng khẳng định, EU cần dùng chính cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay để tiến về phía trước, chứ không phải trở lại với nhiên liệu hóa thạch. Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đặt ra nhiều thách thức, song cũng là cơ hội để EU tăng tốc trong quá trình chuyển đổi xanh.
Nam Sơn
Cùng chuyên mục
Thách thức lớn của thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu