
Ông Anutin Charnvirakul nhấn mạnh rằng cuộc điều tra sẽ tập trung trước tiên vào việc thiết kế công trình có đáp ứng tiêu chuẩn hay không, sau đó mới xét đến các quy trình xây dựng.
Hiện, một nhóm điều tra từ Bộ Công nghiệp Thái Lan đã thu thập các mẫu vật liệu xây dựng từ địa điểm tòa nhà OAG, tập trung vào chất lượng của các thanh thép được sử dụng để gia cố các cột bê tông, dầm và kết cấu móng nói riêng. Kết quả sơ bộ cho thấy một số mẫu thép không đạt tiêu chuẩn về khối lượng, thành phần hóa học và khả năng chịu ứng suất trước khi gãy.
Người đứng đầu nhóm điều tra của Bộ Công nghiệp cho biết mẫu thép kém chất lượng này là sản phẩm của một công ty có nhà máy đã bị đóng cửa kể từ tháng 12/2024 vì các vi phạm khác.
Tòa nhà OAG do liên doanh giữa Italian Thai Development PCL (ITD) và một công ty con của China Railway No.10 Engineering Group thi công từ năm 2020, dự kiến khánh thành vào năm 2026. Tuy nhiên, theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Thái Lan Sutthipong Boonnithi, trước khi bị đổ sập, công trình mới hoàn thành 30%.
Ngay sau vụ việc, tại cuộc họp nội các mới đây, bà Paetongtarn Shinawatra - Thủ tướng Thái Lan - đã chỉ thị cho các bộ, ngành liên quan xem xét nguyên nhân vụ sập tòa nhà đồng thời, tiến hành điều tra tất cả các dự án xây dựng được trao cho nhà thầu trên.
Hiện vụ án tòa nhà văn phòng OAG sụp đổ đang nằm trong diện điều tra của Cục điều tra các vụ án đặc biệt (DSI), theo đó, sẽ điều tra toàn diện các công ty và cá nhân liên quan đến việc thiết kế, xây dựng, cung cấp vật liệu cho công trình xây dựng tòa nhà OAG.
Theo truyền thông Thái Lan, việc xác định nguyên nhân và trách nhiệm trong vụ sập tòa nhà OAG sẽ có ảnh hướng lớn đến quy trình quản lý xây dựng và an toàn công trình tại Thái Lan trong thời gian tới./.