Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 9.600 DN, trong đó, hầu hết là DNNVV. Đây là nguồn động lực quan trọng trong phát triển kinh tế và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Tuy nhiên, do đặc thù hạn chế về nguồn vốn, trình độ công nghệ, mặt bằng sản xuất… nên các DN này gặp nhiều thách thức trong việc mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh; dễ bị “tổn thương” do tác động của các yếu tố ngoại cảnh bất lợi. Chính vì vậy, việc nâng cao sức đề kháng cho DNNVV trước những rủi ro thương mại, sức ép của thị trường là đặc biệt quan trọng.
Quán triệt quan điểm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” cho DN của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã công khai đường dây nóng của lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương; duy trì tốt trang thông tin của tỉnh và ứng dụng C-Thái Nguyên nhằm thông tin, giới thiệu và tiếp nhận các ý kiến, phản ánh, đề xuất của DN và người dân, từ đó có chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Đề án hỗ trợ DNNVV, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 tập trung thực hiện 10 nhóm giải pháp, gồm: Hỗ trợ chuyển đổi số; cải cách hành chính, hỗ trợ gia nhập thị trường; hỗ trợ kế toán, thuế; hỗ trợ tiếp cận tín dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho DN; hỗ trợ thông tin, tư vấn; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ pháp lý; hỗ trợ chuyển đổi DNNVV từ hộ kinh doanh, thành lập mới; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Trong nhóm các giải pháp này, công tác cải cách hành chính và hỗ trợ các DNNVV gia nhập thị trường được đặc biệt quan tâm. Các cấp, ngành trong tỉnh đã thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm đề xuất, kiến nghị cắt giảm, đơn giản các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, loại bỏ các quy định, điều kiện không cần thiết; đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để giảm thời gian, chi phí đi lại…
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã rút ngắn thời gian đăng ký DN từ 3 ngày xuống còn 2 ngày; số lượng hồ sơ đăng ký qua dịch vụ công trực tuyến đạt trên 92%; thời gian thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án giảm từ 35 ngày xuống còn 25 ngày; rút ngắn thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ 15 ngày xuống còn 10 ngày.
Việc thẩm định nhu cầu về đất, như: Điều kiện giao đất, thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất… đều được đơn giản hóa.
Để trợ lực cho DNNVV, tỉnh đã mở rộng các hoạt động bảo lãnh tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng; tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn tín dụng; đổi mới quy trình cho vay theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục, rút ngắn thời gian giải ngân.
Cùng với các chính sách đồng hành, hỗ trợ của tỉnh, Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên với vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên đã có nhiều hoạt động cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của nhau, tìm kiếm thông tin, cơ hội đầu tư, góp vốn sản xuất... tạo sự chủ động trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển.
Bản thân các DN cũng chủ động đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước, quốc tế gặp không ít khó khăn, thách thức thì tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên nói chung, trong đó có hoạt động của các DN trên địa bàn nói riêng, vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. Minh chứng là số lượng DN thành lập mới và trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2023 đạt gần 1.300 DN, cao hơn nhiều so với số giải thể và tạm dừng hoạt động.
Với các giải pháp đồng bộ của tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai, khu vực DNNVV có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển bền vững cả về số lượng và chất lượng, tiếp tục phát huy vai trò là thành phần kinh tế chủ lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung./.