Trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hằng năm, các sở, ban, ngành của tỉnh đã xây dựng kế hoạch rà soát thủ tục hành chính (TTHC) để đánh giá, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị cắt giảm. Kết quả, trong 3 năm (2021-2023), Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định thông qua phương án kiến nghị đơn giản hóa 139 TTHC trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có nhiều TTHC liên quan đến đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp.
Ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Hiện nay, nhiều TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban đã được rút ngắn so với trước đây. Ví dụ như thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư rút ngắn chỉ còn 8 ngày (giảm 7 ngày so với quy định tại Luật Đầu tư); thời gian điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn 6 ngày (giảm 4 ngày so với quy định)… Cùng với cắt giảm thời gian giải quyết nhiều TTHC, Ban còn duy trì thực hiện tốt cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”; niêm yết công khai danh mục TTHC giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tra cứu, nắm thông tin khi đến giao dịch.
Ngoài cải thiện môi trường đầu tư thông qua cải cách TTHC, các DNNVV còn được hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực, như: Thuế, tài chính; tiếp cận thị trường; khuyến công... Ở lĩnh vực thuế, ngành Thuế tỉnh đã hỗ trợ chính sách, công nghệ thông tin và kê khai thuế cho các DNNVV, qua đó giúp doanh nghiệp thực hiện quyết toán thuế kịp thời, đúng quy định.
Các DNNVV mới thành lập được hỗ trợ tư vấn miễn phí thủ tục về thuế khi thay đổi, tạm ngừng, chấm dứt hoạt động kinh doanh; DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài theo quy định; được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về TTHC thuế khi mới thành lập và trong quá trình hoạt động nếu có yêu cầu...
Trong nội dung tiếp cận thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các DNNVV của tỉnh đã được quan tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại (đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, kết nối cung - cầu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ triễn lãm, chương trình xúc tiến thương mại tại các tỉnh/thành phố trong cả nước); “tiếp sức” từ các nguồn vốn khuyến công để đầu tư các dây chuyền, thiết bị sản xuất hiện đại, mô hình trình diễn kỹ thuật...
Là doanh nghiệp được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 300 triệu đồng để đầu tư một máy chấn tôn thủy lực CNC phục vụ công đoạn tạo hình, gia công sản phẩm sắt thép, ông Nguyễn Hải Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Kết cấu thép Hoàng Triều (phường Mỏ Chè, TP. Sông Công), chia sẻ: Đối với các DNNVV, nguồn kinh phí hạn hẹp, hạn chế về công nghệ thì nguồn hỗ trợ khuyến công để mua sắm thiết bị, máy móc có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi đây là điều kiện để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các chính sách hỗ trợ nêu trên, cùng việc triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khác đã góp phần giúp các doanh nghiệp nói chung, DNNVV của tỉnh nói riêng tranh thủ cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức phát triển nhanh và bền vững.
Theo đánh giá, hiện nay, cộng đồng DNNVV đang đóng góp trên 16% vào tổng thu ngân sách của tỉnh; hằng năm tạo việc làm bình quân cho gần 22 nghìn lao động. Chỉ tính riêng 9 tháng của năm nay, toàn tỉnh đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 799 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 6,6 nghìn tỷ đồng...
Theo mục tiêu Đề án “Hỗ trợ DNNVV, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”, mỗi năm, tỉnh có trên 800 doanh nghiệp thành lập mới; thu ngân sách nhà nước khối DNNVV tăng bình quân 10-12%/năm và giá trị xuất khẩu tăng bình quân từ 11%/năm trở lên...