Thận trọng, kỹ lưỡng khi sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán

(BKTO) - Góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, các ý kiến cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán. Đồng thời khẳng định, đây là Dự án Luật khó, tác động đến toàn bộ thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam - kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, do đó cần nghiên cứu thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng khi sửa đổi, bổ sung.

14.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật. Ảnh: quochoi.vn

Bổ sung các hành vi thao túng thị trường

Trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, Dự án Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về: Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; chào bán chứng khoán ra công chúng; chào bán chứng khoán riêng lẻ; công ty đại chúng.

Bên cạnh đó, Dự án Luật cũng hoàn thiện các quy định để tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo, đó là: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK; hủy bỏ đợt chào bán. Ngoài ra, Dự án Luật cũng tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường với mục tiêu nâng hạng TTCK, đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm.

Đề nghị rà soát, chỉnh lý lại việc mô tả các hành vi theo hai nhóm: hành vi cung cấp thông tin không đúng và tạo các giao dịch giả để thao túng giá chứng khoán. Trong mô tả các hành vi, cần rà soát, xác định chính xác hành vi nào cần đồng thời thực hiện, hành vi nào là một trong các điều kiện cấu thành hành vi vi phạm.

Đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn ĐBQH T.P Hà Nội)

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho hay, cơ quan thẩm tra nhất trí việc bổ sung nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, cá nhân nước ngoài để tạo thuận lợi, tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam, thúc đẩy TTCK phát triển và mở rộng kênh dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, ông Mạnh đề nghị tiếp tục rà soát điều kiện đối với doanh nghiệp phát hành phù hợp với thị trường.

Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí bổ sung thao túng TTCK là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK. Quy định này thống nhất với khoản 1 Điều 211 Bộ Luật Hình sự. “Đề nghị rà soát, bổ sung quy định các hành vi được coi là thao túng TTCK khi được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền, tránh trường hợp quy định tại luật các dấu hiệu về hành vi bị nghiêm cấm có tính chất tương đồng với các hoạt động nghiệp vụ thông thường của các công ty chứng khoán, các thành viên thị trường, nhà đầu tư khi tham gia thị trường” - ông Mạnh kiến nghị.

Mặt khác, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 3 Điều 15 Luật hiện hành theo hướng một trong các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng là đáp ứng quy định của Chính phủ về đại diện người sở hữu trái phiếu, hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu và có xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, quy định về xếp hạng tín nhiệm đã có từ Luật hiện hành nhưng đến nay, số lượng các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm còn hạn chế. “Chính phủ cần đẩy mạnh việc xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành, tiến tới xếp hạng tín nhiệm trái phiếu phát hành như một số nước để bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành” - ông Mạnh đề nghị.

Gắn trách nhiệm của đơn vị kiểm toán

Góp ý Dự án Luật, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát điều kiện đối với doanh nghiệp phát hành. Quy định như Dự thảo Luật chưa phù hợp thực tế, bởi theo thông lệ quốc tế, các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật, EU cũng như một số nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự Việt Nam cũng không hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm như Dự thảo Luật. Việc đề xuất kéo dài thời gian hạn chế chuyển nhượng lên tối thiểu 3 năm, không phân biệt giữa nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ là rào cản rất lớn cho sự phát triển của TTCK Việt Nam, làm mất cơ hội cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn lực và vốn của tổ chức phát hành.

Còn theo đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh), trong số các quy định được bổ sung vào hành vi bị nghiêm cấm, có quy định mà cách diễn đạt có thể dẫn đến nhầm lẫn với hành vi mang tính chất nghiệp vụ thông thường của các công ty chứng khoán, các thành viên thị trường hoặc nhà đầu tư. Đơn cử, việc mua, bán chứng khoán số lượng lớn, chi phối vào thời điểm mở hoặc đóng cửa thị trường là hoạt động bình thường và cần thiết trong hoạt động quản lý quỹ, không nhằm mục đích thao túng thị trường. Biến động giá đóng cửa hoặc giá mở cửa của loại chứng khoán đó trong cùng phiên giao dịch là hệ quả hợp lý theo quy luật cung - cầu. Việc quy định nghiêm cấm hành vi “liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường” cũng cần xét đến động cơ thao túng thị trường nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Quy định này thậm chí còn tạo rủi ro lớn cho hoạt động của các quỹ đầu tư trong nước cũng như quốc tế khi tham gia thị trường Việt Nam.

Một khía cạnh khác được ông Hiển đề cập là hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng và hồ sơ đăng ký công ty đại chúng. Theo đó, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét kỹ hồ sơ của các doanh nghiệp trước khi tham gia TTCK là cần thiết. “Dù vậy, vấn đề này hiện đang có khoảng trống pháp luật” - ông nói và đề nghị bổ sung quy định trong hồ sơ phải có báo cáo về vốn điều lệ đã góp trong thời hạn 10 năm vào Dự thảo Luật. Báo cáo này được tính đến thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập. Trường hợp doanh nghiệp thành lập dưới 10 năm thì tính từ thời điểm thành lập. “Đây sẽ là một trong những giải pháp khắc phục vướng mắc, chống việc góp vốn khống, vốn ảo khi đưa ra TTCK” - ông Hiển khẳng định.

Nhấn mạnh người dân chỉ bỏ tiền vào kênh trái phiếu khi tính minh bạch cao hơn, đại biểu Lê Quân (Đoàn ĐBQH T.P Hà Nội) đề nghị Luật lần này gắn trách nhiệm của đơn vị kiểm toán, gắn trách nhiệm của hành vi thao túng thị trường trái phiếu. “Ngoài những điều khoản quy định ràng buộc liên quan tính chuyên nghiệp, có thể có những quy định về thao túng thị trường trái phiếu, trong các hành vi bị cấm. Và các hành vi bị cấm ở đây là trong vấn đề sửa, chỉnh các báo cáo tài chính hay tạo các thông tin sai lệch...” - ông Quân đề xuất./.

Cùng chuyên mục
Thận trọng, kỹ lưỡng khi sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán