Thanh Hóa: Chấn chỉnh việc chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

(BKTO) - UBND tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành Công văn chỉ đạo chấn chỉnh việc chậm trích nộp bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đồng thời đưa tiêu chí trích nộp tiền BHXH vào chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, cơ quan và doanh nghiệp.



Tính đến ngày 20/6/2021, toàn tỉnh Thanh Hoá có gần 3.700 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền nợ lên đến trên 460 tỷ đồng. Trong đó, khối doanh nghiệp có 3.496 đơn vị với số tiền nợ là 452,364 tỷ đồng, khối hành chính sự nghiệp có 169 đơn vị với số tiền nợ là 8,341 tỷ đồng.

Trước thực trạng trên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu giám đốc các Sở; Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt các đơn vị trực thuộc nghiêm túc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; dành nguồn kinh phí để trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định; tuyệt đối không để phát sinh nợ đọng.
                
   

Cán bộ BHXH huyện Thường Xuân, Thanh Hóa tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tại hộ gia đình - Ảnh: BHXH Thanh Hóa

   

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tình trạng chậm trích nộp, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị trực thuộc; xem xét, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị để nợ BHXH dây dưa, kéo dài; đưa tiêu chí trích nộp BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời vào chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị; theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với cơ quan BHXH để tăng cường công tác giám sát, đôn đốc, kiểm tra việc trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm trong chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thực hiện nghiêm các chính sách pháp luật BHXH, BHYT; yêu cầu các đơn vị đang nợ đọng BHXH bắt buộc phải có cam kết trả nợ theo quy định.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và các đơn vị có liên quan, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, BHXH, BHYT, BHTN tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; kịp thời phát hiện và cương quyết xử lý, xử phạt đối với các vi phạm, nhất là các hành vi trốn, trích nộp, nợ đọng, gian lận, trục lợi tiền BHXH, BHYT, BHTN.

UBND tỉnh giao BHXH tỉnh định kỳ hằng quý tổng hợp tình hình nợ BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời chủ động đề xuất các giải pháp thực hiện việc thu, nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện trích nộp BHXH, BHYT, BHTN của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị nợ đọng, kiên quyết xử lý, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; kiến nghị cấp có thẩm quyền áp dụng hình thức xử lý phù hợp đối với các cơ quan, đơn vị cố tình nợ đọng kéo dài; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN…/.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Chấn chỉnh việc chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế