Thanh Hóa: Tổng thu ngân sách nhà nước tăng 12% so với cùng kỳ

(BKTO) - Tháng 02/2023, Thanh Hóa tiếp tục tổ chức rà soát, tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nhất là các dự án lớn để tạo năng lực sản xuất mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư…

1(1).png
Các sản phẩm OCOP của Thanh Hóa được công nhận. Ảnh: TTXVN

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng  02, nhiệm vụ trọng tâm tháng 3/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa, tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Cụ thể, sản xuất nông nghiệp ổn định, sản lượng thủy sản tăng 2,5% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 21,45%, trong đó, 22/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng sản lượng so với cùng kỳ, như: Xăng động cơ tăng 71,1%, dầu nhiên liệu gấp 2,2 lần, Benzen tăng 85,6%, thức ăn cho gia súc tăng 54,6%, giấy bìa các loại tăng 32,9%...

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tháng 02 ước đạt 14.811 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu ước đạt 377,8 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ; giá trị nhập khẩu ước đạt 679,6 triệu USD, tăng 74,4% so với cùng kỳ. 

Tổng lượt khách du lịch tháng 02 ước đạt 960 nghìn lượt khách (trong đó, khách quốc tế ước đạt 8,9 nghìn lượt khách), tăng 2,1% so với cùng kỳ; tổng thu du lịch ước đạt 829 tỷ đồng, tăng 1,5%. 

Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 02 tăng 12% so với cùng kỳ; thành lập mới doanh nghiệp tăng 58,7%. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được quan tâm thực hiện. Trong tháng, toàn tỉnh có thêm 25 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được công nhận, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh lên 317 sản phẩm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh vẫn còn hạn chế như: Kết quả giải ngân vốn đầu tư công chưa đảm bảo theo quy định; tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư khởi công mới thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 còn chậm...

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên được xác định là do lãi suất cho vay của các ngân hàng còn ở mức cao, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư còn thiếu quyết liệt, tinh thần trách nhiệm chưa cao trong công tác đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế....

Thời gian tới, các cấp, các ngành tập trung triển khai quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra; theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, tăng cường công tác phân tích, dự báo để có các giải pháp phù hợp trên các lĩnh vực, bảo đảm hài hòa, hợp lý, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Tỉnh./.

Cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Tổng thu ngân sách nhà nước tăng 12% so với cùng kỳ