Tháo gỡ 2 điểm nghẽn lớn về hạ tầng và nhân lực để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh mẽ

(BKTO) - Tiếp xúc cử tri Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ 2 điểm nghẽn lớn về hạ tầng và nhân lực để Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển mạnh mẽ.

1(2).jpeg
Thủ tướng phát biểu tại cuộc tiếp xúc. Ảnh: CP

Chiều 16/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ có cuộc tiếp xúc với cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo dự kiến, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc vào 21/10 và bế mạc vào ngày 30/11, tiến hành theo 2 đợt, thực hiện các chức năng quan trọng về lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia và giám sát tối cao, với khối lượng công việc rất lớn.

Tại cuộc tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ thông báo về nội dung, chương trình kỳ họp thứ 8 và một số kết quả thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, đầu tư; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất và chế biến; tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố 9 tháng năm 2024.

Tiếp đó, Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ đã lắng nghe, trả lời, giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Phát biểu với cử tri, nhân ngày truyền thống Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024), Thủ tướng bày tỏ trân trọng, cảm ơn những đóng góp quan trọng của nông dân trên cả nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ nông sản với những thành tựu chung của đất nước.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa là nguồn thu nhập quan trọng của hàng chục triệu hộ nông dân, vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Thủ tướng cho biết, xuất khẩu nông sản trong 9 tháng năm nay đạt khoảng 50 tỷ USD và cả năm có thể đạt khoảng 60 tỷ USD. Trong bối cảnh các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi, thì những kết quả sản xuất, xuất khẩu nông sản của các vùng khác, đặc biệt là tại ĐBSCL càng có ý nghĩa đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. ĐBSCL hiện chiếm tới 90% xuất khẩu gạo, 60-70% xuất khẩu trái cây, thủy hải sản của cả nước.

Thủ tướng đánh giá các ý kiến cử tri đều phản ánh sự tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng, thẳng thắn và tin tưởng; các nội dung cử tri đề cập, kiến nghị rất sát với thực tiễn, đúng và trúng với vấn đề xã hội quan tâm.

2(3).jpeg
Quang cảnh cuộc tiếp xúc. Ảnh: CP

Làm rõ thêm các nội dung mà cử tri đề cập, Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách với ngành nông nghiệp nói chung và với ĐBSCL nói riêng, như Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL; Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ.

Đồng thời, tháo gỡ 2 điểm nghẽn lớn của vùng về hạ tầng và nhân lực; nỗ lực để tới hết năm 2025, hoàn thành xây dựng khoảng 600 km cao tốc tại ĐBSCL, xây dựng nâng cấp, cải tạo sân bay Cần Thơ, Cà Mau, Phú Quốc, cảng Cái Cui, các cảng thủy nội địa…; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại ĐBSCL. Tháo gỡ được 2 điểm nghẽn lớn này thì ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ, Thủ tướng nhận định.

Về nông nghiệp, chúng ta phải thổi hồn vào cây lúa, thổi sức sống mới cho ngành lúa gạo, vào trái cây, vào các sản vật của ĐBSCL... bằng công nghệ số, phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Thủ tướng nhấn mạnh.

Riêng về tín dụng, Chính phủ rất quan tâm, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo và ngành ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chương trình tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có vùng ĐBSCL.

Trong đó, gói tín dụng với lâm, thủy sản có số vốn lúc đầu chỉ khoảng 15.000 tỷ đồng, nhưng do giải ngân tốt đã tăng lên 30.000 tỷ đồng và đang tiếp tục lên khoảng 40.000 tỷ đồng. Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng này lên khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng.

Để phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL, Thủ tướng lưu ý cần quan tâm các nội dung: Quy hoạch vùng nguyên liệu; xây dựng thương hiệu phân khúc chất lượng cao; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; huy động nguồn vốn; phát triển thị trường với sự tham gia của doanh nghiệp; liên kết sản xuất lớn; phát triển hạ tầng số, thủy lợi, giao thông, điện, công nghiệp chế biến… Đồng thời, dứt khoát phải cơ giới hoá, điện khí hoá, chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương triển khai dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ.

Về ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho biết ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề bởi sạt lở, sụt lún, khô hạn và ngập úng; riêng năm 2023 đã chi hơn 4.000 tỷ đồng để ứng phó sạt lở tại khu vực này, đồng thời triển khai nhiều dự án lớn như thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé...

Với người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở, Thủ tướng chỉ rõ tinh thần là địa phương sử dụng ngay ngân sách để hỗ trợ; đồng thời cho biết cả nước đang chung tay với quyết tâm đến hết năm 2025 phải xóa xong nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc, trong đó có những người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở tại ĐBSCL.

Liên quan kiến nghị của cử tri về bảo hiểm xã hội, Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét, nghiên cứu nâng mức hỗ trợ về bảo hiểm xã hội cho người nông dân, các hộ nghèo, cận nghèo…

Cũng tại cuộc tiếp xúc, Thủ tướng đã thông tin về tình hình kinh tế, xã hội, những khó khăn, thách thức, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới./.

Cùng chuyên mục
Tháo gỡ 2 điểm nghẽn lớn về hạ tầng và nhân lực để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh mẽ