Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 02 dự án đường bộ cao tốc

(BKTO) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng vừa chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số dự án đường bộ cao tốc.

mp.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Tại Hội nghị, Bộ trưởng KHĐT cùng lãnh đạo một số địa phương, Sở, ngành, đơn vị đã nghe báo cáo và cho ý kiến đối với Dự án xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và Dự án xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài.

Trong đó, đối với Dự án xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đại diện Sở KHĐT tỉnh Bình Dương đã trình bày Báo cáo tình hình triển khai, nêu rõ sự cần thiết đầu tư; các điều kiện để thực hiện đầu tư; sơ bộ tác động về môi trường, xã hội; hiệu quả đầu tư về kinh tế - xã hội.

Đây là trục cao tốc Bắc Nam của tỉnh Bình Dương, Bình Phước - là trục xuyên tâm cắt qua đường vành đai 4, vành đai 3, dẫn đến đường vành đai 2 TP.Hồ Chí Minh, nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền đang triển khai thủ tục đầu tư để kết nối các tỉnh Tây Nguyên về TP.Hồ Chí Minh thông qua vành đai 3, vành đai 2 và về Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua đường vành đai 4.

Tuyến đường này có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố an ninh, quốc phòng của vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ; cần sớm được đầu tư để tạo động lực phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Còn Dự án xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài có tổng chiều dài khoảng 50km, trong đó đoạn qua địa phận TP.Hồ Chí Minh là 23,7km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh là 26,3km. Khi Dự án hoàn thành sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề như chia sẻ lưu lượng xe đi vào tuyến Quốc lộ 22; liên kết các đường vành đai 3, vành đai 4 và các đường cao tốc trong tương lai.

Tuyến đường vừa tạo kết nối thuận lợi cho giao thông khu vực; cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh đến quy mô, phương thức đầu tư, tổng mức đầu tư; khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và việc huy động các nguồn vốn, nguồn lực khác để thực hiện dự án; kế hoạch, tiến độ thực hiện và kế hoạch bố trí vốn cho các dự án…

Bộ trưởng KHĐT đã đề nghị các địa phương liên quan cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, bám sát các quy định; đặc biệt liên quan đến phạm vi, quy mô làn xe để đáp ứng nhu cầu lâu dài, cũng như các phương án đảm bảo hài hòa giữa nhà nước và nhà đầu tư.

Cùng chuyên mục
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 02 dự án đường bộ cao tốc