Tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ rừng

(BKTO) - Đây là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan tại phiên chất vấn trước Quốc hội vừa qua.

img4261-1579765083081241874208-crop-1579765140157816384668.jpg
Tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ rừng. Ảnh: Baotainguyenmoitruong.vn

Theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn), năm 2021, nhiều địa phương đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình các xã khu vực khó khăn (khu vực 2, khu vực 3) trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng năm 2021 vẫn chưa được thực hiện với tỉnh Bắc Kạn là trên 28 tỷ đồng.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT chỉ rõ nguyên nhân của việc chậm chi trả? Đến bao giờ người dân ở địa phương có rừng như tỉnh Bắc Kạn được chi trả tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, về chính sách giao khoán rừng, để thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ khoán rừng, cân đối giữa nhu cầu thực tế với ngân sách, chúng ta đang áp dụng với định mức từ 300.000 đến 400.000 đồng. Qua nhiều kỳ họp, các địa phương cũng đã phản ánh, mức định mức này còn thấp.

Hiện tại, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang tiến hành sửa đổi Luật Lâm nghiệp, dự thảo Nghị định liên quan để nâng mức lên thành 400.000 đến 600.000 đồng.

Về nhu cầu, theo định mức của Bộ NNPTNT thì phải vào khoảng từ 1,1 đến 1,3 triệu đồng, tuy nhiên, ông Hoan cho biết cần phải cân đối từ nguồn lực chung. Tiếp tục trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề nợ kinh phí khoán bảo vệ rừng cho tỉnh Bắc Kạn cũng như một số tỉnh liên quan tới chương trình phát triển nông nghiệp bền vững do Bộ NNPTNT chịu trách nhiệm chương trình này.

Nguyên nhân là do sự thay đổi chính sách, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đến công tác triển khai các quy định còn chưa kịp thời, gây ảnh hưởng đến việc chi trả kinh phí cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho hay, vấn đề nợ tiền bảo vệ rừng, không chỉ riêng Bắc Kạn mà diễn ra ở tất cả các tỉnh có rừng. Công tác bảo vệ rừng của người dân cần được nhanh chóng giải quyết và kể cả việc chuyển nguồn để thực hiện nhiệm vụ này.

Nêu ý kiến về vấn đề định mức, ông Thành cho biết. trong rất nhiều các Nghị quyết của Đảng đã ghi là phải có chính sách để người dân sống được và bảo vệ rừng. Tuy nhiên đến nay, việc sửa Nghị định 75/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số còn rất chậm, dẫn đến câu chuyện nguồn vốn hiện nay không được thống nhất. “Chỗ thì lấy từ tiền khoán bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường, chỗ thì bố trí từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia và một số từ phần hành chính sự nghiệp bên ngoài” – đại biểu chỉ ra.

Trước bất cập trên, đại biểu Thành cho rằng, cần phải đưa thành một nguồn vốn sự nghiệp, định mức cũng phải nâng lên. Đại biểu đề nghị nội dung chính sách này phải được làm rõ.

Trao đổi về ý kiến của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đang chuẩn bị trình Chính phủ việc sửa đổi Nghị định liên quan đến lâm nghiệp, đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó sẽ có quy định để thống nhất giải quyết đối với các vấn đề đặt ra như đại biểu nêu.

dsc_4706.jpg
Kiểm toán viên KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Sơn La. Ảnh: N.Lộc

Trước đó, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thực hiện và công bố kết quả cuộc kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và TP. Hải Phòng...

Qua kiểm toán, KTNN chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí cho bảo vệ rừng. Trong đó, tại các địa phương được kiểm toán, KTNN có chỉ ra tình trạng địa phương khi xây dựng Đề án triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh đã phát sinh trường hợp cần xác định chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trữ lượng rừng trồng nhưng Bộ NNPTNT chưa có quy định, hướng dẫn xác định hệ số (K1) đối với trữ lượng rừng trồng để làm cơ sở cho việc thực hiện.

Từ đó, KTNN kiến nghị Bộ NNPTNT ban hành văn bản quy định, hướng dẫn xác định hệ số điều chỉnh (K1) mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trữ lượng rừng cho rừng trồng làm cơ sở xác định số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Trước vấn đề này, trả lời Báo Kiểm toán, đại diện Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, sau khi báo cáo kiểm toán được phát hành, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã có ý kiến chỉ đạo Cục Lâm nghiệp và các đơn vị liên quan nghiêm túc tiếp thu, tiến hành rà soát, chấn chỉnh theo kiến nghị kiểm toán.

Trong đó, Bộ sẽ sớm ban hành văn bản quy định, hướng dẫn xác định hệ số điều chỉnh (K1) mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trữ lượng rừng cho rừng trồng làm cơ sở xác định số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng và nhiều nội dung có liên quan khác./.

Cùng chuyên mục
Tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ rừng