Thấy gì qua “bức tranh” chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023?

(BKTO) - Điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh vẫn tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn còn những rào cản nhất định, đòi hỏi chính quyền các địa phương cần tiếp tục nỗ lực không ngừng, kiên trì đẩy mạnh cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ hơn, qua đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam.

16.jpg
Cần tiếp tục “giữ lửa” cải cách, đẩy mạnh khơi thông các nguồn lực cho cộng đồng DN. Ảnh minh họa

Nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh

Nhìn lại “bức tranh” chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh năm 2023 qua kết quả khảo sát từ cộng đồng doanh nghiệp (DN), ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, trong năm qua, cộng đồng DN đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền các địa phương trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh so với năm trước. Cụ thể, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện theo thời gian, với điểm số PCI tổng hợp tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 66,66 điểm, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022. Nhiều tỉnh tiếp tục duy trì và có sáng kiến mới trong cải thiện môi trường kinh doanh. Song song với đó, công tác hỗ trợ DN cũng có chuyển biến tích cực, hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ DN của năm 2023 đều có sự cải thiện so với năm 2022.

Kết quả điều tra PCI năm 2023 được xây dựng từ thông tin phản hồi của 10.676 DN, trong đó có 9.127 DN tư nhân trong nước và 1.549 DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Một điểm sáng nữa được ghi nhận đó là chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm. Năm 2023, tỷ lệ DN cho biết phải chi trả chi phí không chính thức là 33,3%, thấp hơn đáng kể so với mức 42,6% của năm 2022. Đồng thời, quy mô khoản chi phí không chính thức cũng tiếp tục đà giảm, với khoảng 2,5% DN cho biết phải chi trên 10% thu nhập cho khoản chi phí này, thấp hơn so với con số 3,8% của năm 2022.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra PCI năm 2023 cũng cho thấy, cộng đồng DN ghi nhận thủ tục gia nhập thị trường đã thuận lợi hơn; đồng thời, DN cũng đánh giá cao nỗ lực chuyển đổi số của các địa phương, khi nhiều thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí hơn cho DN. Đặc biệt, gánh nặng thanh tra, kiểm tra cũng được DN đánh giá có sự cải thiện. Cụ thể, năm 2023, gần 7% DN bị thanh tra, kiểm tra 3 lần trong năm, giảm nhẹ so với mức 7,4% vào năm 2022 và 9,9% vào năm 2021. Tình trạng nhũng nhiễu trong thanh kiểm tra đã giảm xuống gần 7% vào năm 2023, từ mức 9,6% vào năm 2022 và 13,8% vào năm 2021…

Chia sẻ về những kết quả tích cực trên, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper nhấn mạnh, môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp các DN hoạt động ổn định và phát triển; đồng thời, thu hút thêm các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, từ đó tạo thêm việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Cần tiếp tục “giữ lửa” cải cách

Mặc dù ghi nhận xu hướng tích cực trong hoạt động cải cách môi trường kinh doanh của các địa phương, song kết quả điều tra PCI năm 2023 cũng cho thấy những kết quả đạt được vẫn chưa được như kỳ vọng của cộng đồng DN và vẫn còn những tồn tại nhất định. Chẳng hạn, trở ngại trong tiếp cận đất đai tiếp tục gia tăng, trong đó đáng lưu ý là gần 73% DN cho biết họ đã phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, cao hơn đáng kể so với mức 42,9% của năm 2022 và 53,9% của năm 2021.

Bên cạnh đó, các DN nhỏ và vừa phản ánh mức độ bình đẳng trong môi trường kinh doanh có dấu hiệu giảm sút. Theo đó, năm 2023, tỷ lệ DN cho biết tỉnh ưu tiên giải quyết các khó khăn cho DN lớn so với các DN nhỏ và vừa là 61,3%, gia tăng từ mức 58,8% của năm 2022. Đặc biệt, cộng đồng DN cho rằng cần “xốc” lại tinh thần năng động tiên phong của chính quyền tỉnh. Năm 2023, tỷ lệ DN cho biết ủy ban nhân dân tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN tư nhân là 82,1%, giảm từ con số 86% của năm 2022…

Từ thực tế môi trường kinh doanh vẫn còn những rào cản nhất định, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI - cho rằng: Cần tiếp tục “giữ lửa” cải cách, đẩy mạnh khơi thông các nguồn lực cho cộng đồng DN để các DN có thể tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu đó, theo Phó Tổng Thư ký VCCI, bên cạnh những chính sách hỗ trợ quan trọng đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành, thì chương trình hành động và nỗ lực triển khai của chính quyền cấp tỉnh đóng vai trò rất quan trọng; chính sách có đi nhanh được vào cuộc sống hay không, triển khai có hiệu quả tới DN và người dân hay không, đều phụ thuộc rất lớn vào hành động của chính quyền cấp tỉnh. Do đó, chính quyền các địa phương cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí cho DN, cả chi phí chính thức và không chính thức; trong đó cần tập trung cải cách trong các lĩnh vực DN cho biết còn gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ quy định pháp luật. Đồng thời, các chương trình hỗ trợ DN cần tập trung giải quyết những khó khăn mà DN đang gặp phải, như: Tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động chính sách, pháp luật, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu…

Chia sẻ bài học kinh nghiệm của địa phương, ông Cao Tường Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh - tỉnh đạt vị trí đứng đầu Bảng xếp hạng PCI năm 2023 - cho biết, trên hành trình cải cách, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định những nỗ lực phải đến hằng ngày, không chủ quan, tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được. Theo đó, tỉnh luôn nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý; khó khăn, thách thức mà người dân và DN gặp phải, nhằm tìm cách tháo gỡ, giải quyết theo phương châm “cái gì không đo lường được thì không quản trị được”, “cái gì không đo lường được thì không thay đổi được”. Từ đó, tiếp tục quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến…, với mục tiêu cao nhất là đem lại thuận lợi tối đa, tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động./.

Cùng chuyên mục
Thấy gì qua “bức tranh” chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023?