
Tăng tỷ trọng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tại Tiền Giang, NHNN chi nhánh khu vực 13 đã tổ chức Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh.
Lễ công bố Quyết định thành lập NHNN chi nhánh khu vực 13 được tổ chức tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang ngày 21/3. Việc thành lập NHNN chi nhánh khu vực 13 trên cơ sở hợp nhất NHNN chi nhánh các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh. Ông Phạm Minh Tú giữ chức vụ Phó Giám đốc NHNN chi nhánh khu vực 13 và được trao quyền Giám đốc.
Theo NHNN chi nhánh khu vực 13, hiện nay, các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh có 96 tổ chức tín dụng (TCTD) đang hoạt động với mạng lưới 592 cơ sở giao dịch. Tính đến tháng 02/2025, tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn khu vực đạt khoảng gần 369.000 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cuối năm 2024. Mức tăng này cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (0,53%) và toàn quốc (0,8%).
Thời gian qua, hệ thống các TCTD khu vực 13 tập trung rất mạnh vào một số chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Theo đó, dư nợ cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên toàn khu vực 13 đến thời điểm cuối tháng 02/2025 đạt khoảng 274.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 75,4% tổng dư nợ toàn khu vực.
Riêng trong năm 2024, hệ thống các TCTD trên địa bàn khu vực 13 đã tổ chức gần 10 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Tại các hội nghị này, ngành ngân hàng đã phối hợp, tháo gỡ khó khăn về vốn cho hàng nghìn khách hàng doanh nghiệp các ngành nghề. Dư nợ cho vay (có hỗ trợ lãi suất) lũy kế thông qua các đợt kết nối nối ngân hàng - doanh nghiệp tại khu vực 13 đạt khoảng 14.800 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu, NHNN chi nhánh khu vực 13 tiếp tục phát huy những kết quả tích cực, bám sát chủ trương điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và mục tiêu tăng trưởng kinh tế của các tỉnh khu vực 13 để chỉ đạo các TCTD chủ động tăng trưởng tín dụng, tập trung các giải pháp áp dụng công nghệ, tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng.
Thống đốc cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo hướng linh hoạt, bám sát các diễn biến tăng trưởng kinh tế vĩ mô, lạm phát để điều hành lãi suất, tỷ giá ổn định. Riêng đối với các chương trình tín dụng cho nền kinh tế, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành, cung ứng vốn tối đa cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, các lĩnh vực ưu tiên và các thế mạnh của từng khu vực, vùng miền.
Trong thời gian tới, NHNN cũng sẽ chỉ đạo hệ thống ngân hàng ưu tiên, khuyến khích gia tăng cho vay đối với khối doanh nghiệp tư nhân, tăng tỷ trọng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa để cùng với các địa phương hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và tạo động lực hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Chú trọng tín dụng dành cho các dự án, công trình trọng điểm
Cùng ngày, tại Hải Phòng, NHNN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế khu vực 6”.

Chiều 21/3, NHNN đã tổ chức công bố Quyết định và ra mắt NHNN khu vực 6. NHNN khu vực 6 là tổ chức hành chính thuộc cơ cấu tổ chức của NHNN được thành lập trên cơ sở hợp nhất NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh và Thái Bình; trụ sở đặt tại TP. Hải Phòng và 4 điểm vệ tinh hoạt động tại các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình. Bà Nguyễn Thị Dung giữ chức vụ Quyền Giám đốc NHNN khu vực 6.
NHNN khu vực 6 cho biết, tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế đến ngày 31/01/2025 đạt 841.342 tỷ đồng, bằng 5,8% tổng dư nợ cho vay trên cả nước, tăng 8.159 tỷ đồng so với 31/12/2024, tương ứng tăng 0,97%. Trong đó, Hải Phòng và Quảng Ninh có quy mô dư nợ tín dụng lớn nhất (lần lượt là 261.000 tỷ đồng và 202.000 tỷ đồng), chiếm gần 60% dư nợ của khu vực 6.
Theo ngành kinh tế, đến cuối tháng 01/2025, tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản đạt 53.000 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cuối năm 2024, chiếm 6,2%; tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng đạt trên 208.000 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cuối năm 2024, chiếm 24,7% tổng dư nợ của khu vực.
Tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên đến ngày 31/01/2025 cũng đạt kết quả tích cực. Cụ thể, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với dư nợ đạt 226.000 tỷ đồng, chiếm 26,9% tổng dư nợ tín dụng tại khu vực; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 152.000 tỷ đồng, chiếm 18,1% tổng dư nợ tín dụng tại khu vực… Bên cạnh đó, tín dụng lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp tục được kiểm soát tốt.
Ngoài ra, tín dụng chính sách Nhà nước và các chương trình tín dụng đặc thù như tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội, Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ… cũng được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ. Các hội nghị kết nối ngân hàng, doanh nghiệp để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của khách hàng thường xuyên được triển khai.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà đề nghị kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD Hội sở chính và các chi nhánh trên địa bàn tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục để giảm lãi suất cho vay, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm khả thi phục vụ phát triển kinh tế xã hội; các ngành, lĩnh vực thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.../.