Toàn cảnh Họp báo |
Theo đó, 6 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia từ ngày 01/7/2020 bao gồm: Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; cấp mới, đổi Giấy phép lái xe mức độ 4; nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Thanh tra giao thông; nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông; đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện; gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
Cụ thể, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giúp cơ quan có thẩm quyền thực hiện chứng thực bản sao điện tử đúng với bản chính; cung cấp tiện ích đặt lịch hẹn với người dân, DN khi đến thực hiện chứng thực, giúp giảm thời gian chờ đợi. Bản sao điện tử được chứng thực bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác, có giá trị sử dụng thay cho bản chính để thực hiện trong nhiều giao dịch (trừ trường hợp pháp luật quy định khác). Đây là giải pháp giúp người dân, DN không phải nộp lại bản giấy (bản chính/bản chứng thực) để xác minh lại hồ sơ điện tử như hiện nay.
Dịch vụ cấp mới, đổi Giấy phép lái xe mức độ 4 (nâng cấp từ mức độ 3 khi khai trương Cổng) trên cơ sở tích hợp, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của Bộ Y tế và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Bộ Công an. Với hơn 965.000 lượt người thực hiện hằng năm, ước tính số tiền tiết kiệm tăng thêm so với thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 khoảng hơn 323,9 tỷ đồng/năm. Dịch vụ này sẽ thí điểm tại Tổng cục Đường bộ, 3 bệnh viện ở Hà Nội (Bệnh viện Giao thông vận tải, Bệnh viện E và Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) và 5 bệnh viện, trung tâm y tế ở Hà Nam.
Dịch vụ đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phép người dân nộp trực tuyến số tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của mình (hoặc người thân) để được hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định. Với 614.650 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay, việc đóng bảo hiểm xã hội thực hiện trực tuyến dự kiến tiết kiệm hơn 209,5 tỷ đồng/năm.
Dịch vụ gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cho phép người dân đóng tiền trực tuyến để gia hạn thẻ bảo hiểm y tế của mình hoặc người thân, giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại thực hiện thủ tục tại cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc đại lý ủy nhiệm thu. Với hơn 17 triệu người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, dự kiến, 50% số người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thực hiện gia hạn trực tuyến tiết kiệm được hơn 724,6 tỷ đồng/năm.
Được mở rộng trên toàn quốc từ ngày 01/7/2020, việc nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trực tuyến đối với thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông và chỉ huy cấp Đội trở lên thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương và các đơn vị trực thuộc Cục Cảnh sát giao thông.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của dịch vụ công số 725 - dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, dịch vụ góp phần thúc đẩy số hóa, với giá trị sử dụng của bản sao điện tử đã được chứng thực có giá trị thay cho bản chính giúp người sử dụng có thể đưa hầu hết thủ tục hành chính thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên môi trường điện tử (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4); đồng thời tạo điều kiện thực hiện các giao dịch số trong lĩnh vực dân sự, kinh tế.
Như vậy, sau 7 tháng đưa vào vận hành, số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG đã tăng gấp 90 lần so với thời điểm khai trương; tăng 4,5 lần so với quý I/2020. Theo đó, trung bình mỗi quý, Cổng thực hiện tích hợp, cung cấp khoảng hơn 350 dịch vụ công trực tuyến.
“Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được công bố ngày hôm nay trên Cổng DVCQG có thể giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí thực hiện của người dân, DN tối thiểu khoảng 1.686 tỷ đồng/năm” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đến nay, Cổng DVCQG đã tích hợp với 18 bộ, ngành, 63/63 địa phương, 12 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, trung gian thanh toán. Tính đến ngày 28/6, Cổng DVCQG đã có hơn 178.000 tài khoản đăng ký; hơn 46,3 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 10,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái để phục vụ tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; hơn 151.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến, trong đó có 889 hồ sơ của người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ vay vốn hoặc hỗ trợ lao động tạm ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch Covid-19; tiếp nhận, xử lý hơn 6.600 phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ, giải đáp hơn 14.800 cuộc gọi tới tổng đài. |
Tin và ảnh: HỒNG NHUNG