Thêm động lực để tín dụng không còn xa mục tiêu

(BKTO) - Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 8 vẫn còn xa so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Bởi vậy, những chỉ đạo, định hướng điều hành mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được kỳ vọng sẽ là động lực để các ngân hàng nỗ lực thúc đẩy cho vay, góp phần đưa tăng trưởng tín dụng đến gần mục tiêu hơn…

tin-dung.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng trưởng tín dụng không đồng đều, còn xa mục tiêu

Theo số liệu của NHNN, đến hết tháng 7/2024, tổng dư nợ toàn nền kinh tế tăng 5,66%, thấp hơn con số ghi nhận vào cuối tháng 6 là 6,1%. Như vậy, sau những ngày tăng tốc mạnh mẽ về cuối tháng 6/2024 để đạt mục tiêu 6% mà Chính phủ đề ra cho nửa đầu năm 2024, tín dụng đã có bước chậm lại.

Sau khi sụt giảm vào tháng 7, tín dụng dần tăng trưởng trở lại. Số liệu của NHNN cho biết, đến ngày 26/8/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023.

Tuy nhiên, con số trên vẫn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Các chuyên gia đánh giá, diễn biến tăng trưởng tín dụng hiện tại là khá thấp so với kỳ vọng của thị trường và nhà điều hành. Điều này cho thấy sự bất định và nền kinh tế còn khó khăn do chịu tác động của nhiều yếu tố trong nước và quốc tế.

Đáng nói, trong văn bản mới đây, NHNN nêu rõ: Mức tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) không đồng đều, có các TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số TCTD tăng sát chỉ tiêu NHNN đã thông báo.

Sự tăng trưởng không đồng đều còn được phản ánh qua số liệu báo cáo tài chính quý II/2024 của 27 ngân hàng thương mại niêm yết. Cụ thể, nhóm ngân hàng quốc doanh như Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) duy trì mức tăng trưởng tín dụng từ 6 - 8%, các ngân hàng tư nhân lớn có mức tăng trưởng tín dụng phổ biến từ 10 -14%.

Với mức tăng trưởng tín dụng như trên, 7 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất (BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Ngân hàng TMCP Quân đội - MB, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank, Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB) đã chiếm hơn 65% thị phần tín dụng,

Trong khi đó, với 35% thị phần còn lại, các ngân hàng nhỏ và vừa khá “chật vật” thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và phải cạnh tranh thị phần gay gắt. Tăng tưởng tín dụng của những ngân hàng này chỉ từ 1,8 - 4%, thậm chí có ngân hàng tín dụng vẫn âm. Đáng lưu ý, hoạt động tín dụng của ngân hàng nhỏ đang đối mặt với nhiều thách thức, kể cả vấn đề tăng trưởng và nợ xấu.

Nới room và những kỳ vọng

Làm việc với lãnh đạo NHNN và lãnh đạo một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ TCTD không sử dụng hết và bổ sung cho các TCTD có khả năng tăng trưởng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các TCTD nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến.

Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Chương trình gói tín dụng 140 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; mở rộng Chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN đã chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD, đồng thời tiếp tục triển khai chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về dỡ bỏ dần biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

NHNN đã có Văn bản gửi các TCTD thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch. Theo đó, kể từ ngày 28/8/2024, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD.

“Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị” – NHNN khẳng định.

Đại diện MB cho rằng việc được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là động lực để ngân hàng thương mại tổ chức công tác quản lý, giám sát, kiểm soát vốn tín dụng ra thị trường một cách chủ động và điều hành kinh doanh an toàn, hiệu quả.

Còn theo VPBankS Research, chính sách nới room tín dụng của NHNN sẽ là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong việc giành room tín dụng và thị phần.

Với hạn mức tín dụng được giao từ đầu năm, kết thúc quý II/2024, thống kê báo cáo tài chính các ngân hàng cho thấy, có 17/27 ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao trên mức trung bình. Trong đó, 4 nhà băng hoàn thành chỉ tiêu từ 80% trở lên mà NHNN giao là Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank), Techcombank, Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LPBank) và ACB.

Ngoài việc điều chỉnh room, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, NHNN còn yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và các quy định về cấp tín dụng của NHNN; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay.

Thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trường là điều cần thiết song NHNN cũng lưu ý các TCTD đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD./.

Cùng chuyên mục
Thêm động lực để tín dụng không còn xa mục tiêu