Thí điểm Khu thương mại tự do: Phân cấp triệt để cho Đà Nẵng

(BKTO) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để thực hiện thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại TP. Đà Nẵng, ngoài các chính sách ưu đãi về thuế hay đất đai, lao động, nguồn lực thì một trong những chính sách rất quan trọng là tạo đột phá về thủ tục hành chính.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.

202406071213055634_dsc_6335.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Cần có chính sách ưu tiên về thương mại, thuế

Tại Phiên thảo luận, một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là chính sách thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất phương án phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng được xây dựng gồm 3 khu chức năng: sản xuất; hậu cần cảng - logistics; thương mại - dịch vụ; quy định các chính sách thí điểm tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng phù hợp với điều kiện thể chế Việt Nam hiện nay, đảm bảo tính tuần tự, từng bước thí điểm kèm theo việc kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể gặp phải trong thực tiễn triển khai các chính sách về sau. Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ đánh giá, xem xét đề xuất mở rộng cho phù hợp.

Theo Chính phủ, việc phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.

202406070856029616_z5515042452357_fef4343b20eb1d095787e13fbcff0a30.jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đề cập đến vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ ủng hộ cơ chế thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Theo đại biểu, đây là cơ chế rất thành công trên thế giới, đặc biệt là những nước có ưu thế về cảng biển như Singapore có 9 khu thương mại tự do, Trung Quốc có 21 khu, Philippines, Malaysia, Indonesia… Hơn 30 năm qua, các khu thương mại tự do rất hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của các nước đó.

“Việt Nam có bờ biển dài rất đẹp, đã quy hoạch có 34 cảng biển quốc tế. Đây là những điểm rất thuận lợi nên tôi rất ủng hộ Đà Nẵng đi đầu thực hiện cơ chế thí điểm. Tôi cũng đề xuất nên có thêm một số cơ chế để TP. Đà Nẵng triển khai thành công khu thương mại tự do, từ đó nhân rộng ra”- đại biểu nói.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, để khu thương mại tự do có thể phát triển được, điều quan trọng nhất là hạ tầng, phải kết nối được bên trong và bên ngoài khu thương mại. Đồng thời, phải phân cấp trọn gói để TP. Đà Nẵng có thể thực hiện được.

Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) cũng bày tỏ tán thành với chính sách cho phép đầu tư xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Nhấn mạnh đây là một nội dung mới, chưa có quy định hay chưa có tiền lệ ở Việt Nam, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần đi trước một bước, nghiên cứu để có các chính sách cụ thể, ưu tiên về thương mại, thuế nhằm hoạt động có hiệu quả, đúng với tính chất và mục đích của Khu thương mại tự do.

Cần có cơ chế giám sát đặc biệt

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, đây khu thương mại tự do là mô hình kinh tế đã khá phổ biến được nhiều quốc gia áp dụng, thí điểm. Pháp luật của nước ta chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với khu thương mại tự do. Do đó, việc tạo cơ chế áp dụng thí điểm mô hình này tại Đà Nẵng, nhằm tạo bước đột phá mới cho TP. Đà Nẵng nói riêng, đồng thời để khảo nghiệm việc phát triển mô hình kinh tế mới đối với nước ta nói chung.

202406070856029616_z5515035160991_edd63baeaae57c04a5efdc1292f988dd.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, do thể chế và đặc điểm chính trị, nhu cầu phát triển thương mại của nước ta có sự khác biệt so với các nước khác và đây cũng là mô hình chưa có tiền lợi ở nước ta.

"Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, cần phải có cơ chế giám sát đặc biệt để vừa làm, vừa kịp thời đánh giá kinh nghiệm; đặc biệt là định lượng được các tác động của chính sách này nhằm đảm bảo tính khách quan và bao quát từ thực tiễn đến khi triển khai thực hiện" - đại biểu nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị, TP. Đà Nẵng không nhiều đất đai, giá trị rất cao nên khi thu hồi đất để phục vụ cho khu trung tâm thương mại tự do thì cần tính tới vấn đề lợi ích sống còn của người dân; cần áp dụng theo giá đền bù mới theo Luật Đất đai mới.

Giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khu thương mại tự do là một mô hình mới đối với Việt Nam nhưng đối với quốc tế không có gì mới.

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư hiện nay, dòng đầu tư nước ngoài hiện đang sụt giảm rất nhiều và số còn lại đang có xu hướng dịch chuyển về Mỹ và các nước phát triển, một số còn lại đang phân chia và cạnh tranh giữa các nước trong khu vực. Nước nào tạo được môi trường đầu tư tốt, dòng đầu tư đó sẽ về, không thì họ đi nước khác.

202406071125219136_z5515604899236_1d9f5c467769b3b93d06417fb7f6b524.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: VPQH

“Hiện nay Việt Nam đang cạnh tranh rất mạnh với Malaysia, Indonesia hay Thái Lan, Trung Quốc. Trung Quốc lập các khu thương mại tự do với một phương châm không cầu toàn. Riêng Khu thương mại tự do của Thượng Hải 12 năm họ sửa 6 lần, càng ngày càng mở, càng ngày càng cạnh tranh, có cái gì mới, cái gì hay là họ làm chứ không cầu toàn” - Bộ trưởng thông tin.

Với Đà Nẵng, Bộ trưởng cho biết, hiện nay ngoài các chính sách ưu đãi về thuế hay đất đai, lao động, nguồn lực thì có 2 chính sách thấy rất quan trọng.

Thứ nhất là đột phá về thủ tục hành chính. “Lần này Đà Nẵng có đề xuất và chúng tôi rất ủng hộ là phải thí điểm đưa cơ chế thật đột phá về thủ tục hành chính vào đó, là một cửa tại chỗ và manh dạn phân cấp triệt để, chứ không nửa vời là cái này vẫn đưa về bộ này, cái này vẫn đưa về bộ kia, vẫn phải xin thủ tục này, thủ tục kia. Ủy quyền lại cho Đà Nẵng và ủy quyền lại cho Ban Quản lý quyết định thì tất cả mọi thứ sẽ nhanh, như vậy sẽ tạo được môi trường rất tốt để thu hút đầu tư” - Bộ trưởng nói.

Thứ hai, đó là cho phép các tập đoàn lớn được thành lập văn phòng ở đây mà không cần có dự án. “Những nhà đầu tư lớn lập văn phòng là đương nhiên người ta đã có đóng góp, đương nhiên người ta vào đây không phải để chơi, người ta cũng sẽ lập dự án sau đó, chúng ta lại ràng buộc ngay lúc đầu thì sẽ mất cơ hội” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải.

Cùng chuyên mục
Thí điểm Khu thương mại tự do: Phân cấp triệt để cho Đà Nẵng