Thi đua phải đạt thành tích tốt nhất

(BKTO) - Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, Hồ Chủ tịch rất chú trọng đến vấn đề thi đua. Theo Người: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

2(2).jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội thi đua đạt 3 cao điểm “Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều” toàn miền Bắc ngày 10/02/1965. Ảnh: TTXVN

Cùng với việc đề ra mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu, hình thức tổ chức thi đua, Hồ Chủ tịch luôn coi trọng, đánh giá cao kết quả thi đua. Người chỉ rõ: Phải thi đua theo tinh thần: “Làm cho nhanh, làm cho tốt, làm cho nhiều” để đạt kết quả thi đua cao nhất. Trong đó từng lực lượng thi đua phấn đấu thực hiện hiệu quả công việc của mình, như: Đồng bào công nông thi đua sản xuất; các cụ phụ lão thi đua động viên, cổ vũ con cháu làm việc, các cháu nhỏ thi đua học tập, giúp đỡ người lớn… Với Quân đội, tháng 9/1949, Hồ Chủ tịch chỉ rõ: “Vệ quốc quân, bộ đội địa phương và dân quân du kích cần phải: Thi đua nhau tập luyện; thi đua nhau đánh giặc; thi đua nhau diệt nhiều địch, cướp nhiều súng, lập nhiều công”.

Theo quan điểm của Hồ Chủ tịch, muốn đạt kết quả thi đua tốt nhất thì phải có giải pháp thi đua đồng bộ, hiệu quả. Trước hết, cần có nhận thức đúng, ý chí quyết tâm cao trong thi đua. Khi nói chuyện với Đại hội Công đoàn toàn quốc ngày 27/02/1961, Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp, thì phong trào thi đua yêu nước nhất định sẽ sôi nổi, bền bỉ, rộng khắp và thắng lợi to”. Yêu cầu quan trọng là phải tăng cường sự đoàn kết thống nhất, có được giải pháp thực hiện hiệu quả để huy động được sức mạnh đông đảo của quần chúng nhân dân tham gia thi đua. Trong Thư gửi Hội nghị Nông dân và Dân vận toàn quốc ngày 05/02/1953, Hồ Chủ tịch viết: “Phát động quần chúng là một việc rất quan trọng và cũng rất phức tạp, cho nên phải chuẩn bị rất kỹ càng, phải có phương châm rõ ràng, kế hoạch đầy đủ…”. Vì theo Người: “Nhân dân ta rất hăng hái, nhiều kinh nghiệm và nhiều sáng kiến. Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, nhân dân cũng làm được”. Và: “Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”.

Hồ Chủ tịch cũng chú trọng đến việc sơ kết, tổng kết, khen thưởng, phổ biến các sáng kiến, kinh nghiệm, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt”. Tháng 6/1968, Người cho ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt”: “Từ ngày hòa bình lập lại, Bác có yêu cầu báo của Đảng và của các đoàn thể mở ra mục Người mới, việc mới để làm việc đó đi đôi với phong trào thi đua ở các cấp, các ngành. Bây giờ nên gọi là Người tốt, việc tốt cho đúng hơn”.

Từ khi Luật Thi đua, khen thưởng ra đời và đi vào cuộc sống đã giúp cho phong trào thi đua yêu nước của nước ta ngày càng phát triển với những thành tích ngày càng cao. Trong tình hình mới hiện nay, yêu cầu của sự nghiệp cách mạng đòi hỏi phong trào thi đua yêu nước phải tiếp tục được tổ chức sâu rộng, chặt chẽ và hiệu quả. Cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng cho phù hợp với thực tiễn, chúng ta cũng triển khai nhiều giải pháp tích cực để Luật đến với cuộc sống nhanh hơn, sát hơn, đạt kết quả sâu sắc, toàn diện hơn.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu và từ thực tế thực hiện cho chúng ta thấy Luật Thi đua, khen thưởng luôn phù hợp, sát với thực tiễn, có tính khả thi cao, thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Luật quy định rõ: “Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể nhằm phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Luật cũng chỉ ra rất cụ thể vấn đề khen thưởng trong thi đua: “Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Hay nêu rõ khen thưởng đột xuất: “Là khen thưởng kịp thời cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình lập được thành tích xuất sắc đột xuất”. Những quy định cụ thể của Luật về “Quỹ thi đua, khen thưởng” cũng tạo thuận lợi để việc khen thưởng trong thi đua thực hiện được chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Có thể nói, các vấn đề liên quan đến thi đua, khen thưởng đã được thể hiện rất chu đáo, cụ thể trong Luật Thi đua, khen thưởng, vấn đề là ở chỗ chúng ta phải tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, triển khai thực hiện để Luật đi vào thực tiễn cuộc sống nhanh chóng, thiết thực và hiệu quả nhất.

Hiện nay, phong trào thi đua yêu nước của nước ta giai đoạn 2021-2025 với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã và đang được triển khai sâu rộng, thiết thực. Trên phạm vi toàn quốc cũng như các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đều có các phong trào thi đua sôi nổi, như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Dạy tốt, học tốt”, “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”…

Nhìn chung, các phong trào thi đua trên đây được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta triển khai tích cực, thiết thực và luôn đạt thành tích cao. Lãnh đạo Đảng từng đánh giá: “Công tác thi đua, khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng. Trải qua chặng đường dài lịch sử xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua ái quốc luôn phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp; đã cổ vũ, động viên cả dân tộc nỗ lực thi đua thể hiện lòng yêu nước, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, vươn lên đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước ta cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế: Các mô hình, điển hình tiên tiến chưa được kịp thời phát hiện và nhân rộng; công tác khen thưởng có lúc, có việc chưa kịp thời; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp còn chưa nhiều, nhất là các hình thức khen bậc cao; tính tiêu biểu, nêu gương và lan tỏa trong công tác khen thưởng có lúc còn hạn chế...

Chúng ta cần tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, chung sức, đồng lòng góp phần tích cực để đất nước ta ngày càng phát triển giàu đẹp. Trong giai đoạn mới, công tác thi đua, khen thưởng cần phải được tăng cường và phát triển hơn. Vấn đề quan trọng là phải nâng cao hiệu quả thi đua, thi đua phải đạt những kết quả cao nhất. Muốn vậy thì phải có ý chí quyết tâm, cách thức tổ chức và phát huy được sức mạnh cả cộng đồng, trong đó có từng cá nhân cùng tự giác đồng hành, thực hiện. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị… Các phong trào thi đua cần có nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát; huy động được sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân”./.

Cùng chuyên mục
Thi đua phải đạt thành tích tốt nhất