Thị trường thương mại điện tử phát triển ấn tượng, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp

(BKTO) - Trong khi nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 thì thương mại điện tử lại có những điểm sáng và tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu, phát triển ấn tượng, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tương lai nền kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.



                
   

Thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số. Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính

   


Giao dịch thương mại điện tử tăng trưởng ấn tượng

Các chuyên gia nhận định, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể nền thương mại truyền thống với sự chuyển đổi mạnh mẽ sang mua sắm trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cũng nhấn mạnh, thương mại điện tử được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới.

Những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm. Doanh thu thương mại điện tử giữa DN với các cá nhân (B2C) liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Nếu như năm 2016, doanh thu thương mại điện tử B2C đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019 đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước.

Số liệu được ghi nhận cho thấy, từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với 55% trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. Đã có tới 99% người tiêu dùng ứng dụng kỹ thuật số có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai. Những con số này cho thấy mức độ gắn bó của người dùng Việt Nam với các dịch vụ, sản phẩm kỹ thuật số rất cao.
                
   

Mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng. Ảnh: TTXVN

   

Trên thế giới, thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu trong những năm tới. Theo báo cáo thống kê từ eMaketer.com, doanh thu thương mại điện tử B2C toàn cầu năm 2020 đạt 4.213 tỷ USD và dự đoán năm 2021 đạt 4.921 tỷ USD. Vào năm 2024, con số này là 6.773 tỷ USD và năm 2025 mức doanh thu sẽ đạt 7.385 tỷ USD.

Không nằm ngoài xu hướng vận động, phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử toàn cầu, các chuyên gia nhận định, Việt Nam là một trung tâm đổi mới hấp dẫn, đang thu hút được nguồn vốn đầu tư rất lớn. Các thương vụ M&A, đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục với tổng giá trị lên tới 1,37 tỷ USD, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây. Trong đó, các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu đến các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce), tài chính (fintech), sức khỏe (healthtech) và giáo dục (edtech).

Đáng chú ý, trong báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, năm 2021 nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. Đến năm 2030 nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam sẽ đạt 220 tỷ USD, tổng giá trị hàng hóa đứng thứ hai trong khu vực, sau Indonesia. Như vậy có thể thấy, tiềm năng thị trường cho các DN thương mại điện tử Việt Nam là rất lớn.

Cần nhanh nhạy nắm bắt cơ hội phát triển

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.

Chuyển đổi số đã trở thành vấn đề “sống còn” trong quá trình phát triển kinh doanh, giúp các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, cùng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử đang trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều DN. Xu hướng kinh doanh này đang phát triển mạnh ở trên thế giới, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử tham gia thị trường sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi, mua bán hàng hoá trực tuyến.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử tuy mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức với DN.

Để nắm bắt được nhiều cơ hội phát triển thị trường trong bối cảnh chuyển đổi số, các chuyên gia cho rằng, các DN thương mại điện tử cần phải có các phương án tối ưu để tăng hiệu quả kinh doanh, hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu...

Cùng với đó, các cơ quan hoạch định chính sách cần lưu ý đến vấn đề hỗ trợ kết nối, phát triển thị trường để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho DN khởi nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử hoạt động một cách hiệu quả nhất, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội đất nước. Sự phối hợp của các Bộ, ngành với các DN là yếu tố quyết định thành công của bước tiến chuyển đổi số cho DN trong bối cảnh hiện nay.
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Thị trường thương mại điện tử phát triển ấn tượng, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp